Hiệu quả tiết kiệm năng lượng trong GTVT năm 2011

Năm 2011, việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia sử dụng năng lượng tiết kiệm trong giao thông vận tải đã đạt nhiều kết quả.
Năm 2011, công tác chỉ đạo, điều hành, triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong lĩnh vực giao thông vận tải đã đạt được nhiều kết quả.

Cụ thể, Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Thông tư quy định biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong hoạt động giao thông vận tải.

Theo đó, tăng cường chỉ đạo các địa phương đặc biệt là các thành phố lớn thực hiện một số giải pháp nhằm kiềm chế tai nạn và ùn tắc giao thông.

Kết quả đạt được sau thời gian thực hiện thông tư đã góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng nhiên liệu trong giao thông vận tải.

Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ thực hiện Chỉ thị số 171/CT-TTg ngày 28/01/2011 của Thủ tướng Chính phủ trong việc áp dụng các biện pháp tiết kiệm điện nơi làm việc và trong sản xuất tại văn bản số 780/BGTVT-TC ngày 16/02/2011 như tắt các thiết bị điện khi không cần thiết; quy định giờ hoạt động của hệ thống thang máy; sử dụng bóng đèn chiếu sáng tiết kiệm năng lượng; quy định việc sử dụng điều hòa không khí tại nơi làm việc; cải tạo hệ thống cung cấp điện, hệ thống chiếu sáng, tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên; thực hiện các biện pháp kiểm tra, giám sát việc sử dụng điện tại nơi làm việc kết hợp với các phong trào thi đua, khen thưởng; thực hiện khoán chi phí điện nước cho các đơn vị.

Bộ Giao thông vận tải đã giao Cục Đăng kiểm Việt Nam chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất kỹ thuật, nguồn nhân lực để tổ chức triển khai dán nhãn năng lượng đối với xe ôtô con loại 7 chỗ trở xuống theo lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 51/2011/QĐ-TTg ngày 12/9/2011 quy định danh mục phương tiện, thiết bị phải dán nhãn năng lượng, áp dụng mức hiệu suất năng lượng tối thiểu và lộ trình thực hiện.

Tiếp tục triển khai lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ theo Quyết định số 249/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Xây dựng, trình thủ tướng Chính phủ quy định lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với xe mô tô 2 bánh, xe ôtô sản xuất lắp ráp và nhập khẩu mới và chuẩn bị các điều kiện để triển khai thực hiện. Kết quả ngoài việc giảm độ phát thải của phương tiện giao thông cơ giới, bảo vệ môi trường còn góp phần giảm tiêu hao nhiên liệu trong giao thông vận tải.

Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trong ngành ứng dụng khoa học công nghệ, ứng dụng năng lượng mới, năng lượng thay thế nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng; Khuyến khích các doanh nghiệp thuộc Bộ tổ chức hợp lý hóa công tác quản lý và điều hành sản xuất; rút ngắn khoảng cách vận tải; tận dụng tối đa công suất và sử dụng đúng chức năng của máy móc, thiết bị; bảo đảm  công tác bảo dưỡng duy tu, kết hợp với các biện pháp thi đua, khen thưởng kịp thời các tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác thực hiện tiết kiệm nhiên liệu.

Tổ chức một Hội nghị phổ biến, quán triệt Luật, văn bản dưới Luật về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đến từng cán bộ, công chức, công nhân viên thuộc các Tổng cục, các Cục quản lý chuyên ngành, các Sở Giao thông vận tải, một số ban quản lý dự án, các Doanh nghiệp và một số Trường trực thuộc Bộ.

Bên cạnh các hoạt động nêu trên, năm 2011, Bộ Giao thông vận tải đã triển khai nhiều hoạt động, lồng ghép, huy động các nguồn lực nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong giao thông vận tải: Triển khai các chương trình nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ; ứng dụng giải pháp tổ chức quản lý nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng; ứng dụng nhiên liệu mới trong hoạt động vận tải.


Một số Chương trình, đề án, dự án đã được hoàn thiện và đưa vào thực tế như xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ Đề án phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt giai đoạn từ năm 2012 đến năm 2020 với mục tiêu phát triển mạng lưới xe buýt đồng bộ và tương thích với các loại hình vận tải trong đô thị; khuyến khích người dân sử dụng xe buýt, hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân, góp phần giảm ùn tắc giao thông. Việc xây dựng đề án sẽ tạo cơ sở pháp lý để huy động các nguồn lực của xã hội cùng với nhà nước phát triển vận tải hành khách công cộng tại các thành phố, từng bước xây dựng hệ thống giao thông vận tải hiệu quả, bền vững, thân thiện với môi trường.

Thực hiện chủ trương của Bộ Giao thông vận tải về đẩy mạnh ứng dụng nhiên liệu mới, nhiên liệu thay thế trong vận tải hành khách công cộng, Thành phố Hồ Chí Minh đã tích cực triển khai ứng dụng khí nén thiên nhiên (CNG) trên xe buýt đô thị.

Năm 2011 Thành phố Hồ Chí Minh đưa vào khai thác 21 xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch CNG cho tuyến xe buýt 01 (Chợ Bến Thành- Chợ Bình Tây) - tuyến xe buýt xanh đầu tiên của thành phố. Đến nay Thành phố Hồ Chí Minh đã có 39 xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch CNG hoạt động trên 4 tuyến.

Ứng dụng CNG trong vận tải hành khách công cộng ngoài việc giảm chi phí vận tải, bảo vệ môi trường còn góp phần rất lớn trong việc nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, giảm phụ thuộc vào xăng dầu.

Dự án lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời công suất 2,5MW để cung cấp cho nhà ga mới  cũng như tăng cường khả năng kiểm soát việc sử dụng điện tại cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng với tổng giá trị lên đến 9,8 triệu USD do Tổng Công ty Cảng Hàng không miền Trung và Công ty Methis Environmental (Vương quốc Bỉ) lắp đặt hệ thống. Hiện các bên liên quan đang khẩn trương hoàn tất các thủ tục tiếp theo để triển khai dự án. Theo kế hoạch tiến độ, dự án phải hoàn thành trong 6 tháng và dự kiến đưa vào khai thác từ ngày 15/7/2012.

Tổ chức các khoá đào tạo, tập huấn cho một cán bộ làm công tác đào tạo lái xe, sinh viên một số trường thuộc ngành giao thông vận tải; tuyên truyền lái xe sinh thái trên các phương tiện thông tin đại chúng (đài phát thanh, truyền hình, website laixesinhthai.com, ...) bước đầu tao ra sự thay đổi nhận thức của cộng đồng về những lợi ích của việc lái xe sinh thái./.
 
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục