Tăng các biện pháp kiểm soát chi tiêu ngân sách

Chiều 22/10, các đại biểu Quốc hội đóng góp nhiều ý kiến nhằm tăng biện pháp kiểm soát chi tiêu, sử dụng ngân sách hiệu quả cao nhất.
Chiều 22/10, thảo luận ở tổ về tình hình thực hiện dự toán ngân sách Nhà nước năm 2010; dự toán ngân sách Nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2011, các đoàn đại biểu Quốc hội đã đóng góp nhiều ý kiến nhằm tăng cường biện pháp kiểm soát việc chi tiêu, sử dụng ngân sách đảm bảo hiệu quả cao nhất.

Tại tổ Hà Nội, băn khoăn về thực trạng của vấn đề nợ công, đại biểu Đặng Văn Khanh cho rằng, Chính phủ phải kiềm tỏa chỉ số này trên tinh thần những khoản vay cần thiết phục vụ phát triển kinh tế, ưu tiên giải quyết còn đối với những khoản vay phục vụ tiêu dùng thì phải kiên quyết xem xét, loại bỏ.

Chính phủ cũng phải tăng cường hơn nữa các biện pháp hữu hiệu hơn, hiệu quả hơn trong quản lý vấn đề này, đại biểu Đặng Văn Khanh đề nghị.

Xung quanh việc phân bổ ngân sách Nhà nước cho các chương trình mục tiêu quốc gia, đại biểu Đặng Văn Khanh kiến nghị Chính phủ nên rà soát danh mục các chương trình này để tập trung vào những chương trình thực sự cần thiết cho nền kinh tế; đồng thời có hình thức cắt giảm phù hợp đối với những hạng mục không thực sự hiệu quả.

Cũng về vấn đề này, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh đề nghị, vốn ngân sách Nhà nước cấp cho các chương trình mục tiêu quốc gia nên tập trung cho hai nội dung lớn là ứng phó với biến đổi khí hậu và đảm bảo công bằng xã hội, bình đẳng giới; trong đó có các chương trình bảo vệ sức khỏe bà mẹ trẻ em, an sinh xã hội để tránh lãng phí trong việc sử dụng ngân sách.

Đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường lại đề nghị, để sử dụng ngân sách Nhà nước một cách hiệu quả nhất trong các công trình này, nên tập trung vốn cho các công trình sắp hoàn thành, nhất là những công trình liên quan đến vấn đề biên giới, hải đảo, hỗ trợ hộ nghèo.

Tại tổ Thành phố Hồ Chí Minh, nêu quan điểm về vấn đề phân bổ ngân sách, đại biểu Trần Du Lịch cho rằng Quốc hội nên hoàn thiện Luật Ngân sách, chuyển hóa thành Luật Ngân sách hàng năm thì hiệu quả của đạo luật này sẽ cao hơn.

Theo ý tưởng của đại biểu Trần Du Lịch, tại kỳ họp đầu năm, Quốc hội quyết mục tiêu ngân sách cho năm tiếp theo có tính tới các yếu tố tập trung cho phát triển vùng, miền, lĩnh vực.

Trên tinh thần đó, Chính phủ xây dựng và hoàn thiện văn bản phân bổ ngân sách để đến cuối năm Quốc hội bàn thảo, quyết định. Trong đó, sắp xếp sử dụng ngân sách theo thứ tự ưu tiên, lĩnh vực, hạng mục làm trước, hạng mục làm sau.

Về việc xử lý tăng thu ngân sách, đại biểu Phạm Phương Thảo đề nghị, đối với những tỉnh, thành phố tăng thu, Quốc hội nên quy định thưởng 100% cho các địa phương này để sử dụng làm kinh phí đầu tư xử lý các vấn đề bức xúc của địa phương.

Đồng thời, Chính phủ cũng cần ưu tiên hỗ trợ nguồn vốn ODA để xử lý những vấn đề nóng, đơn cử như vấn nạn kẹt xe ở Thành phố Hồ Chí Minh, các vấn đề về cơ sở hạ tầng giao thông...

Báo cáo về tình hình thu ngân sách Nhà nước năm 2010 của Chính phủ cho thấy, tổng thu ngân sách Nhà nước ước cả năm đạt 520.100 tỷ đồng, vượt 12,7% so với dự toán, các khoản thu đều hoàn thành vượt dự toán; trong đó, thu nội địa ước đạt 325.000 tỷ đồng; thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu ước cả năm đạt 160.000 tỷ đồng./.

Quang Vũ (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục