Những nhận định WB về thị trường lao động thế giới

Theo WB, nỗ lực tạo thêm việc làm có thể giúp chính phủ các nước nâng cao đời sống người dân, tìm việc làm hỗ trợ xã hội nhiều nhất.
Trong một báo cáo mới công bố, Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định nỗ lực kiến tạo thêm việc làm có thể giúp chính phủ các nước nâng cao đời sống người dân và phải tìm kiếm loại hình việc làm hỗ trợ xã hội nhiều nhất.

Trong bối cảnh các nước trên quy mô toàn cầu đang phải vật lộn với tỷ lệ thất nghiệp cao (nhất là trong thanh niên), WB cảnh báo nếu "đơn thương độc mã," tăng trưởng kinh tế không thể tạo ra được những việc làm giúp nâng cao đời sống người dân và giảm xung đột xã hội.

Martin Rama, một quan chức thuộc WB, phụ trách Báo cáo phát triển thế giới thường niên cho rằng "vấn đề không chỉ là số lượng việc làm, mà là việc làm gì." Bản báo cáo năm nay của WB tập trung đánh giá tác động của thị trường lao động đối với phúc lợi xã hội, trên cơ sở xem xét kết quả chọn lọc từ hơn 800 cuộc khảo sát điều tra.

Chẳng hạn như ở Mozambique, nơi đợt bùng nổ giá hàng hóa đã giúp nền kinh tế tăng trưởng với nhịp độ mạnh nhất khu vực cận Sahara. Thế nhưng hơn 80% dân số nước này lại làm nông nghiệp và tỷ lệ nghèo vẫn "ngoan cố" ở mức cao. Các chính phủ cần tập trung thúc đẩy việc làm tại các lĩnh vực sẽ đem lại hiệu quả tích cực nhất đối với toàn xã hội.

Hay tăng việc làm cho phụ nữ sẽ tạo ra bước liên kết với tăng đầu tư cho giáo dục và y tế; còn giảm bớt rào cản trong việc tiếp cận việc làm đối với nam thanh niên có thể nâng cao sự gắn kết xã hội.

Kaushik Basu, chuyên gia kinh tế hàng đầu của WB nhận định bản thân việc làm là nhân tố dẫn dắt sự phát triển.

Tại Tunisia, nhịp độ tăng trưởng kinh tế cao đã không đi đôi với việc kiến tạo thêm việc làm cho giới trẻ, trong bối cảnh nạn quan liêu và phân biệt đối xử đã hạn chế sự ra đời của các doanh nghiệp mới. Hồi năm 2010, quốc gia này đã rơi vào cảnh bạo loạn và sau đó châm ngòi cho các cuộc nổi dậy ở Bắc Phi và Trung Đông.

Theo WB, "toa thuốc" để tăng trưởng việc làm phụ thuộc vào những vấn đề cụ thể mà mỗi quốc gia phải đối mặt và các chính sách lao động không phải bao giờ cũng là giải pháp tốt nhất, đặc biệt khi khu vực tư nhân đóng góp tới 90% lượng việc làm tại các nước đang phát triển.

Các chuyên gia khuyến nghị những xã hội nông nghiệp kiểu như Mozambique cần tập trung vào tăng năng suất nông nghiệp. Còn tỷ lệ thanh niên thất nghiệp cao tại những nước như Tunisia thường do năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp kém hơn là do giới trẻ thiếu kỹ năng. Để thúc đẩy việc làm, những nước này phải giảm bớt "màu sắc" chính trị trên bức tranh kinh tế.

Thất nghiệp là vấn nạn của thế giới, với 200 triệu người không có việc làm và đang nỗ lực tìm việc. WB ước tính còn khoảng 621 triệu thanh niên đang thất nghiệp nhưng không tìm việc. Nếu tỷ lệ dân số có việc làm được duy trì, thế giới phải kiến tạo 600 triệu việc làm trong 15 năm tới, khi dân số ở châu Á và châu Phi tăng lên.

Theo WB, trong bối cảnh thị trường lao động ngày một quốc tế hóa hơn, các chính sách liên quan tới kinh tế vĩ mô, lao động hay di cư tại một quốc gia có thể ảnh hưởng tới các nước láng giềng. Các chính phủ cần chung tay xây dựng các chính sách và tiêu chuẩn lao động./.

Hương Giang (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục