Đà phục hồi giảm tốc

Đà phục hồi của nền kinh tế Mỹ đang bị giảm tốc

Nhiều khu vực chủ chốt của kinh tế Mỹ giảm mạnh làm trỗi dậy lo ngại Mỹ phải đối mặt với thất nghiệp cao và tăng trưởng "èo uột."
Những thông tin cho biết nhiều khu vực chủ chốt trong nền kinh tế Mỹ giảm mạnh trong tháng trước đang làm trỗi dậy những lo ngại rằng nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ tiếp tục phải đối mặt với tình trạng thất nghiệp cao và tăng trưởng "èo uột."

John Ryding và Conrad DeQuadros thuộc RDQ Economics nhận định đây là tuần lễ có ý nghĩa quan trọng trong việc đánh giá sức khỏe nền kinh tế Mỹ trong tháng 5/2011, và tốc độ tăng trưởng xem ra đã chậm lại hơn nhiều so với dự đoán.

Ngay từ đầu tuần, lòng tin đối với nền kinh tế Mỹ đã bị giáng một đòn mạnh trước thông tin giá nhà đất đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ thời kỳ Đại Suy thoái những năm 30 của thế kỷ 20. Tốc độ tăng trưởng việc làm trong khu vực kinh tế tư nhân giảm xuống mức thấp kỷ lục kể từ tháng 9/2010, trong khi khu vực chế tạo cũng bị giảm mạnh nhất trong nhiều thập niên, với Chỉ số Quản lý Sức mua của Viện Quản lý Nguồn cung công bố đã giảm gần 7 điểm xuống 53,5 điểm.

Đúng hai năm sau khi suy thoái chính thức chấm dứt, sự suy yếu này đã thúc đẩy các chuyên gia kinh tế đồng loạt hạ dự báo tăng trưởng GDP của Mỹ, trong đó hầu hết đưa ra con số thấp hơn nhiều ngưỡng 3% đối với quý II/2011. Kinh tế Mỹ chỉ tăng 1,8% trong quý I/2011 và tăng khoảng 2,25% trong thời gian từ quý II/2010 đến quý I/2011.

Việc tốc độ tăng trưởng chậm lại có thể dẫn tới những tác động xấu hơn nữa đối với 13,7 triệu người Mỹ hiện không có việc làm. Sandra Pianalto, phụ trách khu vực Cleveland của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), ngày 1/6 cho biết mới chỉ có 1,8 triệu trong tổng số 9 triệu người bị mất việc trong thời kỳ suy thoái đã tìm lại được việc làm, đồng thời cảnh báo về một thời kỳ u ám ở phía trước. Theo bà, nước Mỹ có thể sẽ phải mất khoảng năm năm để đưa tỷ lệ thất nghiệp trở lại mức bền vững từ 5,5-6%.

Cùng ngày 1/6, công ty điều tra thị trường việc làm tư nhân ADP cho biết trong tháng 5/2011, khu vực kinh tế tư nhân của Mỹ chỉ tạo thêm được 38.000 việc làm, chỉ bằng 1/5 so với kỳ vọng tạo thêm 170.000 việc làm.

Mặc dù những hy vọng về một sự phục hồi mạnh mẽ đã tan biến, nhất là khi châu Âu đang lún sâu vào cuộc khủng hoảng nợ, Nhật Bản bị tàn phá bởi thảm họa động đất-sóng thần và giá dầu tăng cao do bất ổn ở Trung Đông, sự suy yếu của kinh tế Mỹ trong thời gian gần đây đang thổi bùng những lo ngại thực sự.

Theo khảo sát của HPS Insight, 95% người Mỹ tin rằng nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn chưa thoát khỏi suy thoái, mặc dù các chuyên gia khẳng định khủng hoảng đã kết thúc vào tháng 9/2009, và lập luận những vấn đề hiện nay chủ yếu là do giá hàng hóa tăng cao, tác động từ thảm họa thiên tai tại Nhật Bản, và chi tiêu tiêu dùng giảm sút là do thất nghiệp vẫn ngất ngưởng ở các mức cao.

Joseph LaVorgna, nhà kinh tế trưởng của ngân hàng Deutsche Bank, cho biết giá xăng tăng đã khiến sức mua của các hộ gia đình giảm gần 100 tỷ USD trong năm tháng qua.

Tuy nhiên, những tác động của việc suy giảm có thể nhìn thấy trong toàn bộ nền kinh tế. Theo các nhà phân tích thuộc Edmunds.com, doanh số bán ôtô tại Mỹ dự báo sẽ không thể phục hồi trở lại các mức trước khủng hoảng cho đến sau năm 2015. Thế nhưng, giới chuyên gia kinh tế cũng như các cố vấn của Nhà Trắng hy vọng tình trạng "èo uột" hiện nay trong nền kinh tế sẽ không kéo dài.

Stephen Stanley thuộc công ty Pierpont Securities, tin chắc rằng kinh tế Mỹ sẽ nhanh chóng phục hồi trở lại sau một loạt cú sốc xảy ra vào đầu năm 2011./.

Phương Thảo (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục