Khủng hoảng quay lại

Nguy cơ khủng hoảng nợ tại Eurozone quay trở lại

Hiện có dấu hiệu cho thấy cuộc khủng hoảng nợ tại Eurozone nguy cơ quay trở lại và tiếp tục đe dọa sự hồi phục của kinh tế toàn cầu.
Sau những động thái tích cực của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cuối năm 2011 và đầu năm 2012, cuộc khủng hoảng nợ công tại Khu vực đồng tiền euro (Eurozone) đã dịu đi đáng kể trong quý I năm nay.

Tuy nhiên, hiện có dấu hiệu cho thấy, cuộc khủng hoảng nợ tại đây đang có nguy cơ quay trở lại và tiếp tục đe dọa sự hồi phục của nền kinh tế toàn cầu.

Báo cáo cập nhật tháng Tư vừa qua về triển vọng kinh tế toàn cầu của Bộ phận dự báo, phân tích và tư vấn rủi ro (EIU) thuộc tập đoàn The Economist (Anh), hiện có hai mối đe dọa đối với nền kinh tế toàn cầu, đó là sự trở lại của cuộc khủng hoảng nợ tại Eurozone và giá dầu mỏ tăng cao.

[Kinh tế Tây Ban Nha tiếp tục rơi vào cơn suy thoái]

EIU cho rằng, các chương trình tái cấp vốn dài hạn của ECB đã làm dịu đi đáng kể cuộc khủng hoảng nợ tại Eurozone. Hiệu quả của các chương trình này đối với các thị trường trái phiếu chính phủ là rất lớn.

Việc tái cơ cấu nợ của Hy Lạp thành công đã tạo động lực cho các thị trường tài chính cũng như tiến trình hướng tới một khế ước tài khóa của Eurozone.

Các thị trường chứng khoán tại các nước phát triển đã có quý I/2012 tăng trưởng mạnh nhất trong nhiều năm qua; tâm lý đầu tư, niềm tin người tiêu dùng và doanh nghiệp đã trở lại. Tuy nhiên, hiện các kết quả đó đang bị đe dọa và cuộc khủng hoảng tại Eurozone lại đang nổi lên.

Theo EIU, căn nguyên của một cuộc khủng hoảng mới là một loạt những bước đi sai lầm của chính phủ Tây Ban Nha gần đây, trong đó có cả quyết định đơn phương đặt ra mục tiêu thâm hụt tài khóa cao hơn trong năm nay so với cam kết đưa ra trước đó.

Dù Chính quyền Madrid ngay sau đó giảm mục tiêu này xuống và đưa ra các mục tiêu ngân sách "cực đoan" nhất từ trước tới nay nhưng những tổn hại cũng đã xuất hiện.

Mặc dù Chính phủ Tây Ban Nha có vẻ như cam kết thực hiện các biện pháp khắc khổ nhưng bất kể một tin xấu nào, chẳng hạn như khó khăn tài chính tại các ngân hàng lớn, tỷ lệ thất nghiệp tiếp tục tăng cao, có thể sẽ khiến lợi tức trái phiếu tăng, khiến Tây Ban Nha khó có khả năng, thậm chí không thể, tiếp tục tự cấp vốn cho mình trên các thị trường.

Nền kinh tế Tây Ban Nha lớn gấp 5 lần Hy Lạp và "bức tường lửa" của Eurozone không đủ để có thể cứu trợ nước này.

EIU cho rằng, việc tiếp tục thực hiện cứu trợ đòi hỏi Đức và Pháp phải cấp vốn nhiều hơn nữa và sẽ đẩy cuộc khủng hoảng Eurozone vào một giai đoạn mới nguy hiểm hơn.

Một khoản cứu trợ đối với Tây Ban Nha sẽ nhanh chóng tạo ra các hiệu ứng lây lan tại nền kinh tế trị giá 2.200 tỷ USD của Italy và một lần nữa lại đe dọa sự tồn vong của Eurozone. Tuy vậy, EIU vẫn cho rằng, dự báo trọng tâm dài hạn của cơ quan này là Eurozone sẽ vẫn tiếp tục tồn tại dưới cấu trúc hiện nay, ít nhất là trong hai năm tới.

Cũng trong báo cáo trên, EIU dự báo nền kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng ở mức 2,2% trong năm nay, thấp hơn mức 2,5% của năm 2011, tính theo tỷ giá hối đoái thị trường.

Tính theo sức mua tương đương (PPP), nền kinh tế toàn cầu có thể đạt mức tăng trưởng 3,2% trong năm 2012, so với mức 3,7% của năm 2011.

Trong giai đoạn từ năm 2013 đến năm 2016, nền kinh tế toàn cầu có thể đạt mức tăng trưởng 4-4,5%, nếu như ngành tài chính hồi phục hoàn toàn từ suy thoái, các nền kinh tế Eurozone tăng trưởng lành mạnh trở lại./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục