Kế hoạch giúp các nước kém phát triển xóa nghèo

Liên hợp quốc đã đề ra kế hoạch 10 năm để giúp các nước kém phát triển nhất trên thế giới (LDC) giải quyết vấn nạn nghèo đói.
Ngày 13/5, hơn 7.000 đại biểu, trong đó có đại diện của các chính phủ, các quan chức cấp cao Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ, đã kết thúc "Hội nghị lần thứ 4 về Các nước nghèo nhất thế giới" do Liên hợp quốc tổ chức tại thành phố Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ, nhằm đề ra kế hoạch 10 năm để giúp các nước kém phát triển nhất trên thế giới (LDC) giải quyết vấn nạn nghèo đói.

Hội nghị kêu gọi khu vực tư nhân đóng vai trò lớn hơn trong cuộc chiến đó, đồng thời yêu cầu các nước giàu đẩy mạnh cam kết viện trợ và xóa bỏ nhiều rào cản thương mại.

Sau 5 ngày thảo luận, hội nghị đã công bố "Chương trình Hành động Istanbul" để đẩy mạnh phát triển và tăng trưởng kinh tế ở các nước nghèo.

Hội nghị tập trung thảo luận các biện pháp nhằm phát huy thế mạnh của 48 nước, trong đó có nhiều nước ở khu vực tiểu Sahara châu Phi, để các nước này có thể tự thoát nghèo và phát triển kinh tế.

Hội nghị cũng yêu cầu các nước giàu xóa bỏ hoặc giảm bớt các rào cản thương mại không công bằng và mở cửa thị trường đối với các sản phẩm của các nước nghèo hơn.

Chương trình hành động cũng chú trọng thúc đẩy khả năng sản xuất ở các nước kém phát triển như xây dựng cơ sở hạ tầng, thúc đẩy nhân lực, vốn và quản lý.

Ông Cheick Sidi Diarra, đại diện cấp cao của Liên hợp quốc phụ trách LDC, các nước đang phát triển ở các lục địa và các nước đang phát triển ở các đảo nhỏ, cho biết hội nghị nhấn mạnh năng lực sản xuất của LDC như một phương tiện để hiện đại hóa và đa dạng hóa các nước nền kinh tế, tạo việc làm và cùng các phương tiện khác để xóa nghèo.

Ông Diarra cũng nhấn mạnh vai trò của khu vực tư nhân trong cuộc chiến xóa nghèo. Ông khẳng định xu hướng kinh tế của khu vực tư nhân đặc biệt quan trọng, nhưng khu vực tư nhân chưa đủ mạnh để tạo nên sự giàu có cho con người ở các nước, đặc biệt các nước LDC.

Do đó kế hoạch hành động này đề ra vai trò cân bằng giữa các nhà nước và khu vực tư nhân.

LDC và các nước đối tác phát triển cam kết bảo đảm quản lý tốt, thực hiện các quy định luật pháp, nhân quyền, bình đẳng giới, quyền tham gia hoạt động của phụ nữ và các nguyên tắc dân chủ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục