Ai Cập bồi thường 850 triệu USD cho thương nhân

Bộ trưởng Tài chính Ai Cập cho biết chính phủ sẽ trợ cấp 854 triệu USD cho những người bị thiệt hại về tài sản do cuộc biểu tình.
Bộ trưởng Tài chính Ai Cập Samir Radwan cho biết chính phủ sẽ trợ cấp 5 tỷ pao Ai Cập (854 triệu USD) cho những người bị thiệt hại về tài sản trong các cuộc biểu tình rầm rộ 11 ngày qua.

Phát biểu trên hãng thông tấn chính thức của Ai Cập MENA, ông Radwan cho biết quyết định bồi thường này nhằm "duy trì ổn định kinh tế và giảm bớt gánh nặng cho người dân."

Theo ông, các nhân viên thuế sẽ lập tức bắt đầu tiếp nhận đơn đề nghị bồi thường của các chủ doanh nghiệp nhỏ, các cửa hàng cửa hiệu và xe hơi bị thiệt hại trong các cuộc bạo động.

Một ủy ban chuyên gia cũng sẽ được thành lập để đánh giá thiệt hại và hệ thống trợ cấp thất nghiệp cũng sẽ được kích hoạt nhằm bồi thường cho những người bị mất việc làm vì các cuộc biểu tình.

Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ngày 4/2 ra một thông cáo báo chí kêu gọi tất cả các bên ở Ai Cập kiềm chế tối đa nhằm tránh gây thêm bạo lực đổ máu tại nước này.

Thông cáo nêu rõ các nước thành viên ASEAN đang theo dõi sát mọi diễn biến tại Ai Cập, và mong muốn Ai Cập sẽ vượt qua được thách thức hiện nay một cách dân chủ và hòa bình.

Tại thủ đô Cairo sáng nay (5/2), người ta nghe thấy những tiếng súng lớn tại quảng trường Tahrir, nơi hơn 10.000 người đã tụ tập trong "ngày thứ Sáu ra đi" nhằm yêu cầu Tổng thống Hosni Mubarak từ chức, tiến hành bầu quốc hội mới và thành lập một chính phủ mới.

Hiện chưa có thông tin về thương vong.

Trước đó tối 4/2, các nhà chức trách Ai Cập đã quyết định rút ngắn thời gian giới nghiêm từ 19 giờ tối (17 giờ GMT) cho tới 6 giờ sáng hôm sau (4 giờ GMT), thay cho từ 17 giờ chiều cho tới 8 giờ sáng hôm sau.

Những ủy ban tự vệ của người dân cũng đã được thành lập tại các chốt kiểm tra ở nhiều khu phố của một số thành phố lớn Ai Cập nhằm đảm bảo giám sát những người biểu tình sau khi lực lượng cảnh sát rút lui kể từ ngày 30/1.

Quảng trường Tahrir trong gần hai tuần qua liên tục chứng kiến các cuộc biểu tình chống chính phủ rầm rộ chưa từng thấy tại Ai Cập. Theo Bộ trưởng Y tế nước này, ông Ahmed Sameh Farid, 5.000 người đã bị thương trong 11 ngày qua.

Trong một diễn biến liên quan, trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Al-Arabiya, Thủ tướng Ai Cập Ahmed Shafiq tuyên bố Tổng thống Mubarak sẽ tiếp tục tại vị vì "những lý do pháp lý."

Thủ tướng nhấn mạnh: "Tổng thống Mubarak là một sự bảo đảm cho an ninh đất nước." Ông Shafiq cũng loại bỏ khả năng Tổng thống Mubarak chuyển giao quyền lực cho Phó Tổng thống Omar Suleiman, đồng thời khẳng định quá trình chuyển giao quyền lực sẽ được thực hiện "một cách văn minh và lịch sự."

Trước đó, ông Mubarak cũng đảm bảo sẽ không tìm kiếm một nhiệm kỳ mới sau khi nhiệm kỳ hiện tại của ông kết thúc vào tháng 9/2011.

Cùng ngày 4/2, nhân vật đối lập Mohamed ElBaradei, cựu Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), cho biết ông có thể ra tranh cử trong cuộc bầu cử tổng thống Ai Cập nếu nhân dân yêu cầu. Chủ tịch Liên đoàn Arập (AL), ông Amr Mussa, một cựu Ngoại trưởng Arập, cũng không loại trừ khả năng ra tranh cử trong dịp này.

Trong một diễn biến theo chiều hướng tích cực, hai đảng phái đối lập chính ở Ai Cập là El Wafd và El Tagammu ngày 4/2 đã quyết định tham gia đối thoại với chính phủ mới do Phó Tổng thống Suleiman đứng đầu.

Quyết định này được đưa ra sau khi chính phủ đáp ứng đề nghị của hai đảng này là bảo vệ người biểu tình tại quảng trường Tahrir và mở điều tra truy tìm thủ phạm tấn công người biểu tình.

Như vậy, hầu hết các đảng phái chính trị hợp pháp đã đồng ý ngồi vào bàn đàm phán - cuộc thương lượng mà tổ chức Anh em Hồi giáo (bị cấm hoạt động) vẫn tẩy chay và cho biết chỉ đàm phán sau khi ông Mubarak từ chức./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục