FAO kêu gọi cần có cách tiếp cận mới về xóa đói

Tổng Giám đốc FAO da Silva tuyên bố, sẽ phải có cách tiếp cận mới để chấm dứt nạn đói khi giá lương thực tăng và khan hiếm tài nguyên.
Trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 31 của Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) khu vực châu Á-Thái Bình Dương đang diễn ra tại Hà Nội, ngày 15/3 Tổng Giám đốc FAO Jose Graziano da Silva tuyên bố, sẽ phải có cách tiếp cận mới để chấm dứt nạn đói trong khi vẫn đối mặt với giá lương thực tăng vọt và khan hiếm tài nguyên.

Ông Jose Graziano da Silva  cũng kêu gọi tăng tính bền vững trong sản xuất nông nghiệp và công bằng hơn trong hệ thống thực phẩm.

Xóa đói và cải thiện an ninh lương thực

FAO dự báo, giá lương thực sẽ còn tiếp tục tăng cao và bất ổn, dẫn đến đói và suy dinh dưỡng lớn hơn. Do vậy, tăng cường sản xuất nông nghiệp hài hòa với môi trường là trọng tâm trong cách tiếp cận mới của FAO.

"Thách thức toàn cầu đầu tiên của chúng tôi là xóa đói và cải thiện an ninh lương thực. Điều đó có nghĩa là chúng ta cần tiếp cận tốt hơn với thức ăn và cũng làm tăng sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản trong khi đảm bảo quản lý hệ sinh thái bền vững,” Tổng Giám đốc FAO Jose Graziano da Silva nói.

Ông Jose Graziano da Silva cũng lưu ý rằng, khu vực châu Á-Thái Bình Dương vẫn phải đối mặt với các vấn đề cụ thể. "Tại một số quốc gia, chúng tôi đã đến gần với giới hạn cho việc mở rộng nông nghiệp. Giá lương thực tăng cao và biến động vẫn là một mối đe dọa. Ví dụ giá gạo bán lẻ ở nhiều nước châu Á vẫn còn cao hơn từ 10 đến 30% so với năm ngoái.”

Với các hoạt động ngày càng phân cấp và tập trung trên những người nghèo nhất, FAO đang hỗ trợ các nước để thực hiện khẩu hiệu: “Không có đói nhiều hơn trong thế kỷ châu Á”. Một loạt các biện pháp bao gồm cả việc xóa bỏ sự thiếu hụt chất dinh dưỡng và thực phẩm không an toàn, cải thiện sinh kế của người dân nông thôn và tăng khả năng phục hồi của họ với những cú sốc an ninh lương thực.

Theo FAO, những người sống ở các nước đang phát triển và các trung tâm đô thị cũng cần phải đóng một vai trò quan trọng trong việc bảo đảm sẽ có đủ lương thực cho tất cả dân số toàn cầu, dự kiến sẽ tăng thêm 1 tỷ người vào năm 2050.

Cũng tại hội nghị này, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng chia sẻ, việc đảm bảo an ninh lương thực và xóa đói giảm nghèo đang ngày càng trở nên khó khăn, đặc biệt là cho các nước đang phát triển trong khu vực. Việt Nam đã có những thành công nhất định trong sản xuất lương thực, xóa đói giảm nghèo, và Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm của mình, cũng như hợp tác với các nước khác trong sự nghiệp nông nghiệp và phát triển nông thôn.

FAO tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trên nhiều lĩnh vực

Ông Jose Graziano da Silva đánh giá, Việt Nam đạt được nhiều thành tựu ấn tượng về an ninh lương thực, là một trong số ít những quốc gia trên thế giới có thể vừa tăng sản lượng xuất khẩu gạo mà vẫn đảm bảo an ninh lương thực trong nước. Vấn đề này rất quan trọng, góp phần ổn định chính trị và hòa bình trong nước cũng như khu vực. Đây cũng được coi là bài học quý báu với các quốc gia khác trên thế giới, nhất là các nước châu Phi.

Theo ông Jose Graziano da Silva, Việt Nam nằm trong khu vực vựa lúa thế giới nhưng khu vực này cũng vẫn còn nhiều khả năng xảy ra bất ổn. Dù là nơi sản xuất được nhiều lương thực nhưng châu Á-Thái Bình Dương lại là nơi có số lượng người thiếu ăn nhiều nhất, có tới 578 triệu người bị đói và suy dinh dưỡng, bằng 62% tổng số của thế giới. Bên cạnh đó, châu Á cũng bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi biến đổi khí hậu, và các quốc gia đã bắt đầu bị tác động bởi nước biển dâng.

Với tư cách là tân Tổng Giám đốc của FAO, ông Jose Graziano da Silva cam kết, FAO sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trên nhiều lĩnh vực quan trọng như giúp Việt Nam thực hiện mục tiêu đảm bảo an ninh lương thực và chương trình về phát triển, xây dựng nông thôn mới; hỗ trợ Việt Nam trong việc chuẩn bị đối phó với biến đổi khí hậu và nhiều nội dung liên quan đến phát triển nông nghiệp nông thôn.

Trong tương lai gần, FAO sẽ chú ý nhiều hơn tới lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, sản xuất lúa gạo và phát triển nông thôn. Ông cũng cho biết, quan điểm của FAO là vừa hỗ trợ vừa học tập kinh nghiệm từ Việt Nam để chia sẻ với các thành viên khác trong khu vực.

Một vấn đề khác mà FAO cũng muốn hợp tác với Việt Nam là kiểm soát dịch bệnh trên gia súc, gia cầm. Đây là một thách thức lớn với toàn thế giới trong bối cảnh chủng vi rút cúm gia cầm hiện đã có biến đổi và cần phải tìm ra vắcxin mới càng sớm càng tốt./.

Hoàng Tùng (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục