Ngành da giày Việt: Đừng bỏ ngỏ thị trường nội địa!

800 doanh nghiệp ngành da giày với năng lực sản xuất khoảng 780 triệu đôi giày dép mỗi năm chỉ chủ yếu phục vụ cho xuất khẩu mà bỏ ngỏ thị trường trong nước. Trong khi đó, hơn 85 triệu người dân trong nước, trung bình mỗi người dùng khoảng 2-3 đôi giày mỗi năm, lại là thị trường "béo bở" cho các doanh nghiệp nước ngoài.
Mặc dù đứng thứ 3 về kim ngạch xuất khẩu cả nước, đứng thứ 4 trong 10 nước sản xuất giày trên thế giới và lượng giày xuất khẩu đạt kim ngạch hàng năm hơn 4 tỷ USD (dự kiến năm 2010 sẽ là 6,2 tỷ USD), nhưng Hiệp hội Da giày Việt Nam khẳng định 800 doanh nghiệp ngành da giày với năng lực sản xuất khoảng 780 triệu đôi giày dép/năm chỉ chủ yếu phục vụ cho xuất khẩu, bỏ ngỏ thị trường trong nước với sức tiêu thụ hơn 85 triệu dân.

Theo Hiệp hội Da giày Việt Nam, hiện mỗi người dân Việt Nam trung bình sử dụng từ 1,5-3 đôi giày/năm, lượng tiêu thụ khoảng 130-240 triệu đôi/năm, tập trung 80% vào sản phẩm da - giả da có giá dưới 150.000 đồng. Do đó, giá trị tổng thị trường giày dép các loại trong nước đạt từ 1-1,5 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 30% so với kim ngạch xuất khẩu, một con số không nhỏ cho ngành da giày.

Tuy nhiên, thị trường này lại đang bị hàng nước ngoài chiếm lĩnh mà nhiều nhất là hàng Trung Quốc bởi mỗi năm thị trường này sản xuất 11 tỷ đôi nên tỷ lệ đa dạng hóa mẫu mã rất cao, đáp ứng được thị hiếu người tiêu dùng, thuận tiện cho khách hàng chọn lựa. Các loại giày dép nhái, giả, kém chất lượng với lợi thế giá rẻ cũng tràn ngập phân khúc thị trường người có thu nhập thấp.

Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Tổng thư ký Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam nhận định, sở dĩ doanh nghiệp chưa mặn mà với thị trường trong nước là do hầu hết các doanh nghiệp vốn nước ngoài (chiếm 80%) làm gia công và bị ràng buộc từ quy định bản quyền (không được đưa sản phẩm gia công ra ngoài). Họ không mặn mà với thị trường trong nước cũng bởi khi xuất khẩu, giá bán ở thị trường các nước sau khi mang thương hiệu nước ngoài tăng lên 4-5 lần.

Riêng với doanh nghiệp vốn trong nước (hầu hết cũng làm gia công) cũng ngại làm hàng nội, do khi chuyển từ làm hàng xuất khẩu sang hàng nội phải thay đổi kiểu dáng, mẫu mã, một số trang thiết bị… trong khi thị phần trong nước chưa nhiều, chưa đủ sức hấp dẫn họ đầu tư và những mẫu mã sản phẩm xuất khẩu thành công ở nước ngoài chưa hẳn đã thích ứng với người tiêu dùng trong nước, giá lại cao.

Ngoài ra, khi quay lại thị trường trong nước, doanh nghiệp lại thiếu kỹ năng nghiên cứu thị trường, thị hiếu người tiêu dùng trong nước nên khi làm ra sản phẩm khó bán dù có nhiều sáng tạo, sáng kiến. Đáng chú ý nhất là doanh nghiệp đều thiếu hệ thống phân phối. Bên cạnh đó, hệ thống cung ứng bán lẻ tại Việt Nam chưa nhiều, chỉ tập trung ở các tỉnh, thành phố lớn và chi phí thuê mặt bằng rất cao, vượt quá khả năng doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Các chuyên gia trong ngành cho rằng, doanh nghiệp có vốn trong nước từng làm hàng xuất khẩu nên liên kết lại để khai thác thị trường nội địa, tăng huấn luyện, đào tạo nhân viên bán lẻ tại các cửa hàng, vì ngày nay bán lẻ đã trở thành một nghệ thuật không thể xem nhẹ. Mặt khác, doanh nghiệp cũng nên thực hiện việc nghiên cứu nhu cầu, thị hiếu khách hàng trong nước và xu hướng tiêu dùng của từng khu vực, nhất là ở các địa bàn lớn đông dân cư như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ…

Một việc không thể thiếu khi làm hàng trong nước là phải có giá thành hạ vì thế doanh nghiệp cần tìm các giải pháp để giảm chi phí, bố trí lại quy trình sản xuất, tăng năng suất người lao động qua việc đầu tư thêm dây chuyền máy móc…

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng nên tranh thủ khai thác lợi thế của chủ trương “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” và hàng loạt các chương trình xúc tiến thương mại quốc gia cho thị trường trong nước để nhanh chóng đưa ra sản phẩm thích ứng thị hiếu, nhu cầu người tiêu dùng trong nước./.

Uyên Hương (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục