Nghệ An phát hiện nhiều cổ vật gốm men thời Lý-Trần

Từ tháng 10-12/2010, tại Đô Lương và Cửa Lò, tỉnh Nghệ An nhiều bát, đĩa, chén, âu bằng gốm men thời Lý-Trần đã được người dân phát hiện.
Ngày 22/12, ông Nguyễn Đức Kiếm, Trưởng phòng Sưu tầm, trưng bày và tuyên truyền Bảo tàng tổng hợp Nghệ An cho biết trong vòng hai tháng trở lại đây, người dân xã Trù Sơn, huyện Đô Lương và xã Nghi Hoà, Thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An phát hiện được 40 chiếc bát, đĩa, chén, âu bằng chất liệu gốm men thời Lý-Trần (thế kỷ X-XIII).

Đầu tháng 12/2010, ông Nguyễn Tất Thắng, xóm 9 xã Trù Sơn, huyện Đô Lương trong lúc đi chăn trâu tại bãi Thanh Cương, dưới chân đập Bàu Đá thuộc địa phận xóm 9 xã Trù Sơn đã phát hiện một số đồ gốm phát lộ do quá trình mưa to, nước chảy mạnh làm xói đất đá.

Hiện vật gồm đĩa gốm, đĩa gốm men lam xám, bát sứ men lam rạn, âu gốm, thẩu gốm sâu lòng, bát gốm men lam xám, bát gốm thờ miệng loe... Các hiện vật quý trên đã được chuyển về Bảo tàng tổng hợp Nghệ An để bảo quản và lưu giữ.

Trước đó, một nhóm người dân xã Nghi Hoà, Thị xã Cửa Lò trong lúc đi làm đồng tại bãi trồng ngô của xã đã phát hiện bộ gốm men cổ gồm hơn 20 chiếc bát, đĩa thời Lý-Trần. Bộ đồ bát, đĩa gốm men vừa được phát hiện còn khá nguyên vẹn, chỉ có vài chiếc trong đó bị sứt mẻ. Đồ gốm sứ cao cấp này có màu men trắng, men xanh lục, men ngọc, men xanh cobalt và men nâu sắt.

Bộ bát đĩa gốm men cổ mang nét đặc trưng văn hoá thời Lý-Trần như đắp nổi, khắc chìm và in khuôn trong, nhưng cũng có nhiều loại không trang trí hoa văn nhưng vẻ đẹp của hình dáng, màu men lại rất được chú ý. Nét đặc trưng là hoa sen, hoa cúc và văn như ý. Bộ gốm men vừa phát hiện nhiều mẫu hình, nhiều kiểu dáng thể hiện nét riêng biệt của gốm Việt Nam. Các hiện vật quý này hiện vẫn được lưu giữ tại địa bàn xã, Bảo tàng tổng hợp Nghệ An đang hoàn tất thủ tục để chuyển số hiện vật trên về Bảo tàng lưu giữ./.

Bích Huệ (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục