Chứng khoán toàn cầu diễn biến không đồng nhất

Chứng khoán toàn cầu biến động bất nhất khi chứng khoán Mỹ và châu Á lên xuống trái chiều, còn chứng khoán châu Âu tiếp tục "lao dốc".
Sau khi trải qua ngày giao dịch ảm đạm vào hôm trước, Phố Wall tiếp tục trồi sụt thất thường trong phiên giao dịch ngày 18/9, khi mà sự hứng khởi từ gói QE3 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đang dần dịu xuống, còn những lo ngại về kết quả kinh doanh của các công ty Mỹ lại có chiều hướng gia tăng.

Chốt phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 11,54 điểm, tương đương 0,09%, lên 13.564,64 điểm. Tuy nhiên, chỉ số S&P 500 lại hạ nhẹ 1,87 điểm (0,13%), đóng cửa ở mức 1.459,32 điểm. Trong khi đó, chỉ số Nasdaq Composite cũng giảm không đáng kể 0,87 điểm (0,03%), xuống mức 3.177,80 điểm.

Mặc dù chỉ số lòng tin của giới chủ thầu xây dựng tại Mỹ bất ngờ vọt tăng lên mức cao nhất trong hơn 6 năm qua , song các chỉ số chứng khoán Mỹ vẫn biến động bất nhất trong phiên giao dịch 18/9 và khép phiên với các mức tăng giảm không đáng kể , khi các nhà đầu tư dường như đang tìm kiếm những động lực mới để định hướng kinh doanh.

Ngoài ra, thị trường cổ phiếu còn chịu sức ép bởi mối lo ngại ngày một gia tăng về lợi nhuận quý III/2012 của các doanh nghiệp Mỹ.

Theo ước tính của hãng tin Reuters, lợi nhuận quý III của khối doanh nghiệp Mỹ sẽ giảm 2,2% so với cùng kỳ năm 2011, đánh dấu lần suy giảm đầu tiên trong vòng 3 năm qua.

Cũng trong ngày 18/9 này, công ty dịch vụ chuyển phát nhanh quốc tế FedEx đã hạ dự báo lợi nhuận trong tài khóa tới với lý do các điều kiện kinh tế toàn cầu yếu kém đã khiến người tiêu dùng chuyển sang chọn lựa các dịch vụ vận chuyển rẻ tiền hơn. Thông tin này đã khiến giá cổ phiếu của FedEx giảm tới 3,1%.

Tuy nhiên, đà đi xuống của thị trường đã bị hạn chế phần nào nhờ sự nhảy vọt của cổ phiếu Apple. Hôm qua, cổ phiếu của tập đoàn máy tính danh tiếng này đã tăng 0,3% lên 701,91 USD, mức cao kỷ lục mới, khi giới đầu tư đang đặt nhiều kỳ vọng vào doanh số bán iPhone 5.

Cùng ngày, ở bên kia bờ đại Tây Dương, các thị trường chứng khoán châu Âu vẫn tiếp tục “lao dốc”, khi xu hướng bán tháo chốt lời chưa có dấu hiệu suy giảm sau vài phiên tăng điểm mạnh cuối tuần trước, bất chấp chỉ số lòng tin của giới đầu tư tại Đức trong tháng 9/2012 đã bất ngờ tăng trở lại lần đầu tiên trong 5 tháng qua, nhờ quyết định tái khởi động chương trình thu mua trái phiếu của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).

Kết thúc phiên, tại London, chỉ số FTSE 100 của Anh giảm 0,43% xuống 5.868,16 điểm. Tại Paris, chỉ số CAC 40 cũng hạ 1,15%, xuống 3.512,69 điểm, trong khi tại sàn giao dịch Frankfurt của Đức, chỉ số DAX 30 cũng mất 0,76%, xuống 7.347,69 điểm.

Hòa theo diễn biến tại Phố Wall trong đêm trước, xu hướng lên xuống trái chiều cũng diễn ra tại hầu hết các sàn giao dịch chứng khoán châu Á trong phiên giao dịch ngày 19/9.

Tại thị trường Tokyo của Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 mở cửa tăng 42,75 điểm (0,47%), lên 9.166,52 điểm, khi giới đầu tư đang hướng sự chú ý vào cuộc họp chính sách của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ), với hy vọng rằng thể chế tài chính này sẽ đưa ra thêm các chính sách nới lỏng tiền tệ mới.

Trong khi đó, tại Trung Quốc, nếu thị trường chứng khoán Thượng Hải khai phiên với “sắc đỏ” (Shanghai Composite Index giảm 0,31 điểm xuống 2.059,23 điểm), do khan hiếm các định hướng đầu tư, thì thị trường Hong Kong lại khởi đầu ngày với “sắc xanh” (Hang Seng tăng 7,59 điểm, lên 20.609,52 điểm), song mức tăng cũng không mạnh bởi dư âm từ gói QE3 cũng đang mờ nhạt dần./.

Minh Trang (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục