Đức tiếp tục nói "không" với trái phiếu eurobond

Thủ tướng Đức phản đối phát hành trái phiếu chung của toàn khối Eurozone (eurobond) - sẽ gánh chung phần nợ của 17 nước thành viên.
Thủ tướng Đức Angela Merkel khẳng định bà phản đối việc phát hành trái phiếu chung của toàn khối Eurozone (eurobond) - sẽ gánh chung phần nợ của 17 nước thành viên Eurozone - nhưng vẫn để ngỏ khả năng có sự thay đổi trong chính sách.

Trả lời phỏng vấn Đài truyền hình ZDF ngày 21/8, bà Merkel cho rằng vào thời điểm này eurobond "chính xác là một con đường sai lầm để đi theo bởi chúng sẽ dẫn tới một liên minh nợ thay vì sự ổn định hơn. Do vậy giải pháp cho cuộc khủng hoảng hiện nay không phải là phát hành eurobond."

Trước đó, trong cuộc họp hôm 16/8 bà Merkel và Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đều khẳng định eurobond không phải là giải pháp hiện tại cho cuộc khủng hoảng nợ Eurozone. Nhưng cả hai nhà lãnh đạo đều để ngỏ khả năng có sự thay đổi trong chính sách, nếu tình hình trong Eurozone trở nên tồi tệ. Động thái này của bà Merkel càng làm dấy lên sự bất bình tại Đức.

Ông Horst Seehofer, người đứng đầu đảng Liên minh dân chủ Thiên chúa giáo (CSU) trong liên minh cầm quyền với đảng Dân chủ Thiên chúa giáo của bà Merkel, nói với tờ Wirtschaftswoche rằng eurobond sẽ gây phương hại cho nền kinh tế châu Âu cũng như tạo ra sự mất công bằng.

Theo ông, tác động của nó sẽ là nợ, lạm phát và hủy hoại các cơ hội kinh tế. Ông Seehofer cho rằng CSU sẽ vạch ra hướng trong nỗ lực cùng chia sẻ gánh nặng nợ nần của châu Âu, mà theo ông sẽ chỉ làm gia tăng xu hướng lạm phát.

Nhắc tới các biện pháp chống khủng hoảng của Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB), ông nói: "Chúng tôi đã làm ngơ để ECB mua trái phiếu, nhưng không phải là toàn quyền hành động. Chúng tôi sẽ không tiếp tục với bước đi tiếp theo là góp nợ. Không thể giải quyết nợ quá mức bằng cách đẩy gánh nặng nợ sang tất cả các nước."

Phó Thủ tướng Philipp Roesler, nhà lãnh đạo đảng Dân chủ tự do thân giới kinh doanh, cũng đã bác bỏ ý tưởng eurobond chừng nào đảng của ông còn điều hành nước Đức trong liên minh cầm quyền. Nhìn chung, những người phản đối eurobond tại Đức có chung quan điểm rằng eurobond sẽ tăng chi phí vay mượn của đất nước và từ bỏ sáng kiến cho các nước nặng nợ đưa tình hình tài chính vào trật tự.

Tuy nhiên, những người ủng hộ eurobond, trong đó có phe đối lập trung tả của Đức, lại cho rằng eurobond là giải pháp khả thi giúp giải quyết cuộc khủng hoảng nợ Eurozone. Những nước mạnh nhất Eurozone, đứng đầu là Đức, sẽ cam kết tài trợ cho các nước yếu hơn, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho họ trong việc huy động vốn trên các thị trường.

Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Hà Lan Jan Kees de Jager cũng hối thúc Berlin duy trì thái độ cứng rắn đối với eurobond khi nói rằng chúng sẽ có ảnh hưởng "cố hữu" trong việc khuyến khích nợ thêm.

Theo ông, trong ngắn hạn eurobond có thể làm bình ổn thị trường, nhưng nếu không thay đổi các điều kiện cơ bản trong 5 năm nữa châu Âu sẽ đối mặt với một cuộc khủng hoảng mới có thể tệ hại hơn cuộc khủng hoảng hiện nay bởi các nền kinh tế mạnh hơn như Đức hay Hà Lan sẽ mắc nợ nhiều hơn./.

Hoàng Hà (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục