Tái cơ cấu kinh tế cần xác định mô hình tăng trưởng

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng trong những năm qua, theo chu kỳ phát triển của nền kinh tế thế giới, kinh tế Việt Nam cũng đã khiến các doanh nghiệp phát triển theo chiều rộng. Tuy nhiên, những năm gần đây, chu kỳ phát triển của nền kinh tế thế giới đã buộc kinh tế Việt Nam phải vận động phát triển chất lượng hơn và các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là khối doanh nghiệp Nhà nước cũng sẽ phải cuốn theo xu hướng này. Do đó, giải pháp trước mắt là phải tăng được sức ép cạnh tranh trong khu vực doanh nghiệp Nhà nước.
Tại cuộc tọa đàm về Cơ cấu lại nền kinh tế, nhiều đại biểu đã cho rằng, để tái cơ cấu được nền kinh tế phải xác định rõ mô hình tăng trưởng kinh tế, tạo sức cạnh tranh, sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp.

Tọa đàm do báo Nhân dân phối hợp với Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước tổ chức tại Hà Nội ngày 16/12.

Không chỉ là cắt, giảm

Đánh giá lại việc thực hiện đầu tư công trong thời gian qua, tiến sỹ Lê Đình Ân cho rằng chúng ta mới chỉ chú trọng đến vấn đề cắt, giảm dự án mà chưa quan tâm tới việc điều chỉnh, xem xét những văn bản, quy phạm pháp luật liên quan đến vấn đề này.

Tiến sỹ Ân cho rằng hiện nay, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về đầu tư công còn thiếu đồng bộ, chưa ăn khớp và mang tính hành chính nhiều hơn là việc tạo điều kiện mở cho kinh tế thị trường.

Ông Ân cũng nhấn mạnh đến việc quy trách nhiệm đối với người đứng đầu. Theo ông, hiện nay, trước khi dự án đầu tư được phê duyệt cũng đã được thông qua cuộc họp của thường vụ, ban cán sự…, nhưng khi xảy ra sự cố thì lại không biết quy trách nhiệm cho ai.

Nhiều đại biểu tham gia tọa đàm cũng nêu ý kiến, cơ chế quản lý đầu tư công còn chưa phù hợp. Hơn nữa, chính sách đầu tư trong thời gian qua chưa chú ý đến công tác quy hoạch, dẫn đến sự thay đổi liên tục: như trường hợp về sân golf, khu kinh tế... Tư duy nhiệm kỳ vẫn còn hiện hữu cũng là một vấn đề khó khăn cho việc tái cấu trúc nền kinh tế.

Cùng quan điểm với tiến sỹ Ân, ông Lê Hải Mơ, đại diện Viện Chiến lược và Chính sách tài chính cũng cho rằng, chúng ta không nên máy móc trong việc cắt, giảm dự án mà cần phải đánh giá đúng thực lực của khu vực đầu tư công.

Cần phải tính đến tốc độ cắt, giảm dự án thế nào để không tạo khoảng trống cho nền kinh tế. Việc phân cấp rõ ràng trách nhiệm đối với các dự án đầu tư công cũng cần phải chú trọng.

Tạo sức ép cạnh tranh đối với các doanh nghiệp

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng trong những năm qua, theo chu kỳ phát triển của nền kinh tế thế giới, kinh tế Việt Nam cũng đã khiến các doanh nghiệp phát triển theo chiều rộng.

Do vậy, nhiều doanh nghiệp chưa đi sâu, chưa hướng vào năng suất và chất lượng. Tuy nhiên, trong những năm trở lại đây, chu kỳ phát triển của nền kinh tế thế giới đã buộc kinh tế Việt Nam phải vận động phát triển chất lượng hơn và các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là khối doanh nghiệp Nhà nước cũng sẽ phải cuốn theo xu hướng này.

Theo ông Lộc, giải pháp trước mắt là phải tăng được sức ép cạnh tranh trong khu vực doanh nghiệp Nhà nước.

Dẫn chứng cụ thể về vấn đề này, ông Lộc đã đưa hình ảnh Tập đoàn Viễn thông ra làm ví dụ. Ông cho rằng, chính tính cạnh tranh giữa các doanh nghiệp Nhà nước trong lĩnh vực viễn thông là giải pháp buộc các doanh nghiệp này phải thay đổi tư duy, cách làm trước đây để tạo được chỗ đứng.

Cũng theo ông Lộc, tái cấu trúc doanh nghiệp Nhà nước cần phải đặt trong chuỗi liên kết của doanh nghiệp nhà nước với nhau và với các doanh nghiệp khác trong nền kinh tế.

Trong bối cảnh hiện nay, xu hướng mua bán và sáp nhập các doanh nghiệp đang diễn ra mạnh mẽ. Tuy nhiên, một thực tế xảy ra đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, có khó khăn về nguồn vốn chính là việc phải bán cổ phần cho công ty nước ngoài.

Theo ông, thời gian tới, Chính phủ cần quan tâm và có chính sách để các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp khác trong nước thực hiện việc sáp nhập, mua bán lẫn nhau để tăng tiềm lực nội địa.

Trong quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp nói chung cần có chính sách hỗ trợ, thúc đẩy liên kết doanh nghiệp nhà nước theo hướng này.

Ý kiến của nhiều đại biểu cũng cho rằng, cần tăng cường áp dụng hệ thống quản trị minh bạch, hiệu quả. Trên thực tế thời gian qua, nhiều doanh nghiệp chưa áp dụng tốt quản trị, do vậy việc minh bạch hóa thông tin của doanh nghiệp nhà nước là còn kém.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng các doanh nghiệp Nhà nước cần phải tiến tới niêm yết trên thị trường chứng khoán để minh bạch hóa dần thông tin./.

Hải Yến (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục