"Người hùng Fukushima" bên lò phản ứng hạt nhân

Họ là những chiến sỹ thầm lặng, ngày đêm canh giữ các lò phản ứng trong lúc nguy khốn do thảm họa kép động đất-sóng thần gây ra.
Họ là những chiến sỹ thầm lặng, ngày đêm canh giữ các lò phản ứng trong cơn nguy khốn do thảm họa kép động đất-sóng thần gây ra. Họ chính là các tác nghiệp viên, “những chú lính chì dũng cảm,” tại Nhà máy điện Fukushima 1.

Trong những thời khắc khó khăn nhất của cuộc khủng hoảng hạt nhân, những người hùng thầm lặng này đã quên mình, vượt qua hiểm nguy bên trong lò phản ứng và nỗi lo sợ phơi nhiễm phóng xạ để bám trụ và duy trì hoạt động bình thường của nhà máy.

Fukushima 1 trước cơn sóng dữ

Sau trận động đất 9 độ Richter rung chuyển toàn bộ khu vực Đông Bắc Nhật Bản, những cơn sóng thần hung hãn nuốt gọn một khu vực bờ biển rộng lớn trải dọc năm tỉnh từ Iwate xuống tận Chiba.

Sóng thần tàn phá nhà cửa, cuốn trôi tàu bè và nguy hiểm hơn cả là tấn công vào các nhà máy điện hạt nhân ven biển. Trong số này, Nhà máy điện Fukushima số 1 trở thành nạn nhân kém may mắn nhất trước sức tàn phá khủng khiếp của sóng thần.

Cả thế giới và Nhật Bản sẽ chẳng bao giờ quên những thời khắc kinh hoàng của cuộc khủng hoảng hạt nhân mà theo đó, chỉ trong vòng năm ngày, từ ngày 11-15/3, người dân ở Fukushima và cả nước Nhật đã phải trải qua những thời khắc lo âu tột cùng.

Lúc 2 giờ 46 phút, mặt đất rung chuyển dữ dội khiến các lò phản ứng tự động tạm ngừng và máy phát điện dự phòng bắt đầu hoạt động. Và chỉ ít phút sau, sóng thần cao hơn 10m tấn công vào các tổ máy dự phòng khiến nguồn điện cung cấp cho hệ thống làm mát lò phản ứng tê liệt hoàn toàn.

Mất điện. Bóng đêm bao trùm bên trong các lò phản ứng. Các thanh nhiên liệu trơ lõi, nhiệt độ tăng nhanh và nước bắt đầu bốc hơi dữ dội. Tình trạng của các thanh nhiên liệu và của lò phản ứng trở nên nguy cấp hơn lúc nào hết.

Các kênh truyền hình NHK, ANN, NNN... vào thời điếm đó đã lập tức chuyển trọng tâm thông tin sang tình trạng đáng ngại ở Fukushima 1 và 2.

Tuy Nhà máy điện Fukushima 2 cũng xảy ra hiện tượng ngừng hoạt động song tình hình ở đây không đáng ngại bằng Fukushima 1.

Fukushima 1 đã vô tình trở thành “nơi tâm bão” của cuộc khủng hoảng hạt nhân tồi tệ nhất kể từ thảm họa nguyên tử Chernobyl năm 1986 ở Ukraine.

Chính trong cơn nguy khốn ấy, hình ảnh các tác nghiệp viên nhà máy trở thành biểu tượng quật cường cho lòng quả cảm và sự hy sinh cao cả của con người Nhật Bản trong thảm họa.

Tinh thần bất diệt của “Fukushima 50”

Trong bóng đêm bao trùm của nhà máy và nồng độ phóng xạ mỗi lúc một tăng cao, những người hùng thầm lặng vẫn quyết tâm ở lại, nỗ lực đổ nước làm mát lò phản ứng.

Trong hoàn cảnh chẳng có bất cứ sự hỗ trợ máy móc nào do mất điện hoàn toàn và không còn chút ánh sáng nào trong nhà máy, các tác nghiệp viên nhà máy buộc phải dùng đến sức người, dò dẫm trong bóng đêm để ứng cứu cho lò phản ứng.

Sau hàng loạt những nỗ lực làm mát lò không thành, hơn 800 tác nghiệp viên nhà máy đã không chiến thắng nổi sức nóng khủng khiếp của các thanh nhiên liệu. Các vụ nổ khí liên tục xảy ra tại các lò phản ứng, các thanh nhiên liệu nóng chảy một phần, nồng độ phóng xạ tăng nhanh. Có thời điểm, nồng độ bức xạ bên trong nhà máy lên mức 400 milisievert/giờ, gấp hai lần mức phơi nhiễm cho phép đối với một tác nghiệp viên bình thường trong một năm.

Việc tiếp tục làm việc trong thời gian dài tại nhà máy là vô cùng nguy hiểm. Tình hình mỗi lúc một nguy cấp. Sáng 15/3, nhà máy quyết định rút phần lớn các tác nghiệp viên, chỉ để lại 50 người trong nhà máy nhằm đảm bảo hoạt động tối thiểu tại lò phản ứng.

Tuy nhiên, chỉ với 50 người, hoạt động của nhà máy vẫn được duy trì và nhiệt độ tại lò phản ứng tiếp tục được duy trì ở tình trạng tạm chấp nhận được trong hoàn cảnh như vậy.

Trong điều kiện làm việc vô cùng khó khăn, 50 người phải thay phiên nhau duy trì hoạt động với nồng độ phóng xạ hàng trăm milisivert/ giờ nên mỗi người chỉ được phép làm việc trong tối đa 15 phút. Điều này càng khiến cho nỗ lực ứng cứu lò phản ứng trở nên nan giải hơn bao giờ hết.

Tuy nhiên, 50 tác nghiệp viên ở Fukushima 1 ấy đã hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình trong những thời khắc hiểm nguy nhất bên lò phản ứng, bất chấp nỗi sợ hãi về cái chết bất ngờ do phóng xạ hay một tương lai mờ mịt với bệnh tật phát sinh từ phóng xạ.

Nhiều người trong số họ không hề được ai đó bên ngoài nhà máy biết đến với tên tuổi cụ thể. Chỉ biết rằng các tác nghiệp viên ấy đã trở thành biểu tượng mà cả thế giới phải nghiêng mình thán phục và  gọi các anh bằng cái tên chung - “Fukushima 50.”

Câu chuyện vừa rồi cũng chỉ là một trong muôn vàn những chuyện tôi đã thu lượm được trong quãng thời gian xảy ra cuộc khủng hoảng hạt nhân.

Cho đến nay, Chính phủ Nhật Bản và Công ty điện lực Tokyo (TEPCO) vẫn đang nỗ lực hết sức khắc phục sự cố tại Nhà máy điện Fukushima 1.

Khó khăn vẫn còn ngổn ngàng phía trước. Duy chỉ có điều chúng ta không bao giờ quên, đó là đằng sau những giây phút bình yên của cuộc sống sau thảm họa, có một phần đóng góp và những hy sinh không hề nhỏ của những chiến sỹ thầm lặng ở Fukushima.

Tên tuổi các anh sẽ luôn được người dân Nhật Bản nói riêng và nhân dân thế giới nói chung nhớ đến với lòng mến mộ sâu sắc./.

Hữu Thắng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục