"Cần triển khai quan sát viên tại khu Preah Vihear"

Campuchia và Thái Lan không thể rút quân khỏi khu vực đền cổ Preah Vihear nếu không có sự hiện diện của quan sát viên Indonesia.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia Tea Banh ngày 17/8 khẳng định Campuchia và Thái Lan không thể rút quân khỏi khu vực phi quân sự mới xác định quanh ngôi đền cổ Preah Vihear nếu không có sự hiện diện của quan sát viên Indonesia.

Phát biểu với các phóng viên tại Phnom Penh, ông Tea Banh cho biết Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) đã chỉ rõ việc rút quân khỏi khu vực này phải được tiến hành cùng với việc triển khai lực lượng quan sát viên của Indonesia. Ông nhấn mạnh cả Campuchia và Thái Lan cần thực hiện đầy đủ phán quyết này của ICJ.

Cùng ngày, trả lời câu hỏi của các phóng viên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Campuchia Koy Kuong cũng cho rằng cả Campuchia và Thái Lan cần phải tuân thủ phán quyết của ICJ và sự hiện diện của các quan sát viên Indonesia là cần thiết để giám sát việc rút quân.

Các tuyên bố trên của quan chức Campuchia được đưa ra sau khi báo Bưu điện Bangkok của Thái Lan ngày 16/8 cho biết Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan Yuthasak Sasiprapa nói rằng việc đưa các quan sát viên Indonesia đến ngôi đền Preah Vihear có thể không cần thiết nếu Thái Lan và Campuchia đồng ý giải quyết vấn đề tranh chấp biên giới thông qua các cơ chế song phương.

Ngày 18/7, ICJ - tòa án cấp cao nhất của Liên hợp quốc có trụ sở tại La Hay, Hà Lan, đã ra lệnh yêu cầu Thái Lan và Campuchia phải rút hết binh sỹ của hai nước hiện đang đóng tại khu vực tranh chấp ở xung quanh ngôi đền cổ nằm trên biên giới giữa hai nước, tạm biến vùng này thành khu phi quân sự.

ICJ cũng yêu cầu Thái Lan và Campuchia cho phép các quan sát viên do ASEAN chỉ định được quyền tiếp cận khu vực phi quân sự tạm thời kể trên để quan sát việc thực thi ngừng bắn.

Trước đó, vào năm 1962, ICJ phán quyết đền Preah Vihear thuộc Campuchia, song cả Phnom Penh và Bangkok đều tuyên bố chủ quyền đối với khu vực rộng 4,6km2 xung quanh ngôi đền.

Kể từ khi đền Preah Vihear được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản thế giới, binh sỹ hai nước đã nhiều lần đụng độ tại các khu vực tranh chấp trên biên giới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục