Công ty FDIC đang đứng trước nguy cơ vỡ nợ

Công ty Bảo hiểm tiền gửi Liên bang (FDIC) của Mỹ đang tiến dần tới con số âm vào cuối năm nay và đứng trước nguy cơ vỡ nợ.
Tại phiên điều trần trước Ủy ban Ngân hàng của Thượng viện ngày 14/10, Chủ tịch Công ty Bảo hiểm tiền gửi Liên bang (FDIC) Mỹ, bà Sheila Bair cho biết, quỹ bảo hiểm của chính phủ để bảo vệ những khoản tiền gửi tại ngân hàng đang tiến dần tới con số âm vào cuối năm nay và đứng trước nguy cơ vỡ nợ trong vòng hai năm tới.

Theo bà Sheila, quỹ bảo hiểm tiền gửi đã rơi vào trạng thái căng thẳng nghiêm trọng trong một năm trở lại đây, do số lượng các ngân hàng Mỹ bị phá sản tăng mạnh.

Trong chín tháng đầu năm nay, đã có 98 ngân hàng Mỹ phải đóng cửa, khiến giá trị của quỹ giảm xuống dưới 10 tỷ USD so với 45 tỷ USD vào một năm trước.

Tháng trước, FDIC cũng thông báo quỹ bảo hiểm của họ đang cạn dần, trong khi số tiền ước tính cần thiết để giải quyết các vụ sụp đổ ngân hàng tại Mỹ tới năm 2013 lên tới 100 tỷ USD.

Để giúp cơ quan này có tiền trang trải các vụ đổ vỡ leo thang trong hệ thống các ngân hàng, FDIC đề xuất các ngân hàng thuộc diện được cơ quan này bảo hiểm trả trước phí bảo hiểm tiền gửi.

Đề xuất này đảm bảo được hai yêu cầu là không tác động bất lợi tới lợi nhuận của các ngân hàng, và cũng không cần tới hạn ngạch tín dụng trị giá 500 tỷ USD mà Bộ Tài chính Mỹ dành sẵn cho FDIC.

Các ngân hàng sẽ đưa ra ý kiến đối với kế hoạch này cho đến hết tháng 10, trước khi trở thành quy định bắt buộc. Nếu được thực thi, kế hoạch này sẽ yêu cầu các ngân hàng trả trước phí bảo hiểm tiền gửi cho các năm 2010, 2011 và 2012 vào ngày 30/12/2009. Số tiền phí có thể lên tới 45 tỷ USD.

Đây sẽ là lần đầu tiên trong lịch sử FDIC yêu cầu các ngân hàng trả trước phí bảo hiểm tiền gửi. Lần gần đây nhất quỹ của FDIC rơi vào tình trạng âm là vào năm 1991, khi xảy ra cuộc khủng hoảng tiết kiệm và cho vay. Khi đó, FDIC đã phải vay tiền từ Bộ Tài chính Mỹ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục