Bộ trưởng GTVT giải trình trước Ủy ban Pháp luật

Tại phiên giải trình, Bộ trưởng Giao thông Vận tải và đại diện các bộ trả lời các vấn đề về giao thông, trong đó có phí bảo trì đường bộ.
Ngày 24/4, tại Hà Nội, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã tổ chức phiên giải trình các bộ, ngành, địa phương liên quan về nội dung “Vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông vận tải đường bộ-Thực trạng và giải pháp.”

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý chủ trì phiên giải trình với sự tham gia của đại diện lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải; Bộ Công an; Bộ Tài chính, cùng đại diện lãnh đạo Hà Nội,Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.

Vi phạm giao thông là nguyên nhân chính gây tai nạn

Trong phiên giải trình buổi sáng, báo cáo thực trạng vi phạm hành chính và các giải pháp khắc phục trong lĩnh vực giao thông vận tải đường bộ, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng nêu rõ vi phạm hành chính về giao thông đường bộ trong nhiều năm qua luôn là vấn đề bức xúc trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông và là một trong những nguyên nhân chính gây ra tai nạn giao thông đường bộ. Trong năm 2011 và 2 tháng đầu năm 2012, toàn quốc đã kiểm tra, xử lý trên 8,3 triệu trường hợp vi phạm hành chính về giao thông đường bộ, thu nộp Kho bạc Nhà nước trên 2.382 tỷ đồng.

Năm 2011 và hai tháng đầu năm 2012 cả nước đã xảy ra 49.518 vụ tai nạn giao thông và va chạm giao thông đường bộ, làm chết 12.399 người, bị thương 54.192 người, so với cùng kỳ năm 2010 đã giảm về cả 3 tiêu chí: số vụ, số người chết và bị thương. Tình hình ùn tắc giao thông diễn biến rất phức tạp, đặc biệt tại các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh.

Qua phân tích số liệu vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, Bộ trưởng Đinh La Thăng nêu thực trạng nhóm hành vi vi phạm bị phát hiện và xử lý nhiều nhất là vi phạm quy tắc giao thông đường bộ, đây là những vi phạm do lỗi chủ quan của người tham gia giao thông. Cùng với đó các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ tăng nhanh, bình quân trên 15%/năm, vượt khả năng đáp ứng của kết cấu hạ tầng giao thông; tốc độ phát triển và chất lượng vận tải hành khách công cộng chưa cao, chưa thuận lợi, chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại ở các đô thị.

Công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực giao thông vận tải đường bộ liên quan đến xử phạt vi phạm hành chính bao gồm: ban hành văn bản quy phạm pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật, nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ, tuần tra, kiểm soát, xử phạt vi phạm hành chính tuy đã phát huy được hiệu lực, hiệu quả nhưng còn nhiều bất cập cần điều chỉnh cho phù hợp thực tế.

Cần tăng nặng hơn nữa mức xử phạt vi phạm

Bộ trưởng Đinh La Thăng đã nêu lên các giải pháp khắc phục của Bộ Giao thông Vận tải bao gồm xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông, xử phạt vi phạm hành chính, bảo đảm tính đồng bộ với các chế tài mạnh, đủ tính răn đe và khả thi; phổ biến, giáo dục pháp luật liên quan đến an toàn giao thông đường bộ, xử phạt vi phạm hành chính; đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; nâng cao chất lượng công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe…

[Hà Nội đề xuất tịch thu xe đua, phạt “nặng” nội đô]

Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị Luật Xử lý vi phạm hành chính cần quy định đầy đủ các chức danh đã được quy định trong các Luật và các văn bản quy phạm pháp luật khác, đặc biệt chú ý đến các chức danh từ cơ sở vì đây là lực lượng chủ yếu phát hiện, xử phạt vi phạm hành chính; đề nghị tăng mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực giao thông vận tải, đặc biệt trong lĩnh vực giao thông đường bộ (200 triệu đồng)...

Xung quanh đề nghị của Bộ Giao thông Vận tải liên quan về việc nâng cao mức xử phạt đối với người vi phạm an toàn giao thông, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền và một số ý kiến cho rằng nâng mức phạt tiền không phải là giải pháp tối ưu và không phải là giải pháp căn cơ nhằm hạn chế tai nạn giao thông. Thực tế hiện nay, đã có đủ các chế tài xử phạt và quá nhiều lực lượng có quyền tham gia xử phạt như cảnh sát giao thông, cảnh sát trật tự, thanh tra giao thông.... nhưng tai nạn giao thông vẫn ở mức cao.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển và nhiều đại biểu khác đề nghị cho biết, trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Giao thông Vận tải trong việc để xảy ra tình trạng số lượng người vi phạm Luật Giao thông đường bộ, số vụ tai nạn, người chết, bị thương còn quá lớn.

Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, trong ba năm qua, cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Quốc hội và Chính phủ cùng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và người dân, tai nạn giao thông đã giảm trên cả ba mặt, cả về số vụ, số người chết và người bị thương.

Tuy nhiên, tình trạng vi phạm các quy định và tai nạn giao thông vẫn ở mức cao. Nguyên nhân do ý thức của người dân chưa cao, bên cạnh đó, công tác quản lý nhà nước và cơ sở hạ tầng còn nhiều hạn chế, yếu kém. Bộ giao thông Vận tải đã xây dựng và triển khai nhiều chương trình nhằm tiếp tục giảm thiểu tai nạn giao thông; xây dựng triển khai đề án nâng cao trách nhiệm và năng lực nghiệp vụ của cán bộ, công chức ngành giao thông trong khi thực thi nhiệm vụ, góp phần thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực giao thông vận tải.

Thu phí để đáp ứng nhu cầu đi lại của xã hội

Trả lời câu hỏi của đại biểu Trần Ngọc Vinh đề nghị làm rõ việc thu phí và lập Quỹ bảo trì đường bộ, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng, việc thu phí và lập quỹ nhằm bảo đảm nguồn thu để duy tu, sửa chữa đường bộ, đáp ứng nhu cầu đi lại của xã hội, góp phần phát triển kinh tế-xã hội. Điều này phù hợp với Luật Giao thông đường bộ và các quy định của pháp luật.

Vấn đề chính sách thu phí phương tiện giao thông, tiếp tục được Bộ trưởng Đinh La Thăng  giải trình làm rõ  trong phiên giải trình buổi chiều. Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết tất cả các giải pháp Bộ Giao thông Vận tải đang triển khai thực hiện đều nằm trong tổng thể các giải pháp đã được Chính phủ báo cáo với Quốc hội và được Quốc hội đồng tình trong đó có các giải pháp đồng bộ để giảm tai nạn và ùn tắc giao thông. Bộ Giao thông Vận tải thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ và đang thực hiện các giải pháp đồng bộ đó. Tuy nhiên tất cả văn bản này thực hiện phải đúng quy trình, pháp luật, đúng sự chỉ đạo của Chính phủ, Nghị quyết của Quốc hội và phải được sự đồng tình của người dân. Việc thực hiện các giải pháp phải đúng theo các quy trình của pháp luật, Bộ Giao thông Vận tải không làm gì trái với các quy định của pháp luật cũng như trái với nguyện vọng chính đáng của người dân.

Đầu tư xây dựng các trạm cân hiện đại

Liên quan đến tình trạng chất lượng đào tạo, sát hạch lái xe còn nhiều bất cập dẫn đến học giả, bằng thật như đề cập của đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Khá, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, Bộ Giao thông Vận tải đã xây dựng đề án nâng cao chất lượng đào tạo và thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác đào tạo, sát hạch lái xe. Sắp tới ngành giao thông sẽ thực hiện một số giải pháp, không để xảy ra tình trạng làm giả bằng lái xe. Về xử lý xe ôtô vi phạm chở quá tải, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, thời gian tới sẽ đầu tư xây dựng các trạm cân hiện đại trên các tuyến quốc lộ nhằm kiểm tra, xử lý xe vi phạm.

Trong phiên giải trình buổi chiều, đồng tình với ý kiến một số đại biểu về thực trạng đăng kiểm hiện nay, có nhiều phương tiện không đủ điều kiện về đăng kiểm vẫn được lưu hành, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết do nhiều nguyên nhân. Trước tiên là do chủ xe và lái xe không có ý thức giữ gìn phương tiện, không thực hiện công tác bảo dưỡng định kỳ và không kiểm tra thường xuyên. Ngoài ra có nguyên nhân chủ xe và lái xe đi mượn các phương tiện, phụ tùng thay thế để đi đăng kiểm. Một số cán bộ và nhân viên đăng kiểm thiếu tinh thần trách nhiệm, thậm chí có trường hợp hạ cấp tiêu chuẩn đăng kiểm để đưa ôtô không có chất lượng ra lưu hành. Bộ Giao thông đã phát hiện và có trường hợp đã xử lý nặng, xử lý nghiêm minh tất cả các trường hợp vi phạm.

Bộ Giao thông Vận tải đang triển khai đề án "Nâng cao chất lượng công tác đăng kiểm." Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định cùng với việc xây dựng đề án "Nâng cao chất lượng công tác đăng kiểm," Bộ Giao thông Vận tải đang triển khai một loạt công việc. Trước hết là hoàn thiện các văn bản pháp luật về kiểm định xe cơ giới theo hướng công khai, minh bạch cho chủ xe, lái xe biết để cùng tham gia giám sát. Hai là quy định rõ trách nhiệm cá nhân và trách nhiệm người đứng đầu trong việc quản lý, kiểm định chất lượng xe cơ giới. Ba là tăng cường các trang thiết bị hiện đại, camera trực tiếp để tác động vào công tác đăng kiểm đồng thời, Bộ cũng đã đề ra nhiều biện pháp khác như tuyên truyền, động viên ý thức của người sử dụng phương tiện, nâng cao ý thức trách nhiệm của đăng kiểm viên, người lãnh đạo đăng kiểm, tăng cường kiểm tra kiểm soát...

Bộ Giao thông Vận tải không yêu cầu giảm sản xuất ôtô

Với việc một số đại biểu cho rằng cần thúc đẩy sản xuất ôtô trong nước và việc hạn chế ôtô đi ngược lại xu thế phát triển, Bộ trưởng Đinh La Thăng đồng tình và cho biết ngoài các doanh nghiệp nước ngoài, ngành giao thông vận tải có sản xuất ôtô, cùng với việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ trong việc đề xuất thực hiện các loại phí, lệ phí, Bộ đã làm việc với Tổng Công ty ôtô Việt Nam để tăng trưởng phát triển sản xuất ôtô nhiều hơn chứ không yêu cầu giảm sản xuất ôtô. Đó là nguồn thu ngân sách lớn.

Bộ trưởng Giao thông Vận tải nhận lỗi vì tiến độ công trình giao thông chậm


Trả lời câu hỏi của đại biểu Trần Ngọc Vinh về việc chậm tiến độ tại hầu hết các công trình giao thông và công tác thu phí, lập Quỹ bảo trì đường bộ, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, công trình giao thông chậm tiến độ không chỉ là bức xúc của người dân mà là bức xúc của cả ngành giao thông.

Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết năm 2011 được lấy là năm chất lượng công trình giao thông. Bộ trưởng đã nhận lỗi trước nhân dân vì đã để tình trạng tiến độ công trình giao thông chậm, chất lượng công trình chưa bảo đảm theo yêu cầu.

Bộ đã xây dựng đề án nhằm tăng cường sự quản lý, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước và nhân dân đối với tiến độ và chất lượng các công trình giao thông đồng thời triển khai đề án nhằm nâng cao chất lượng quản lý công trình, quản lý nhà thầu và thay thế các Ban quản lý dự án không đáp ứng nhu cầu.

Tại phiên giải trình, đại diện Bộ Công an, Bộ Tài chính đã báo cáo phân tích những hạn chế, vướng mắc và đưa ra một số giải pháp nhằm giải quyết những bất cập trong thực hiện xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Lãnh đạo Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng tham gia giải trình, làm rõ tình hình vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông vận tải tại địa phương mình.

Các thành viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội về cơ bản đồng tình với báo cáo của các cơ quan giải trình và cho rằng các bộ, ngành, địa phương đánh giá đúng tình hình vi phạm, nêu ra nhiều nguyên nhân của hành vi vi phạm, đưa ra nhiều giải pháp thực hiện trong thời gian qua. Các thành viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cũng cho rằng những giải trình của Bộ trưởng Đinh La Thăng và các bộ, ngành, địa phương đã sát với câu hỏi, tuy nhiên có nhiều vấn đề chưa được làm rõ về mối quan hệ quản lý Nhà nước với các vấn đề khác trong cuộc sống xã hội; giữa bức xúc và phát triển; giữa chống ùn tắc với nhu cầu cuộc sống người dân... Các thành viên Ủy ban đề nghị Bộ trưởng và các bộ, ngành, địa phương khi đề xuất với Chính phủ cần tính đến biện pháp giải quyết bức xúc trước mắt nhưng cũng phải bảo đảm tính lâu dài.

Các thành viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cũng đề nghị Bộ Giao thông Vận tải và các bộ, ngành cần cân nhắc, nghiên cứu kỹ và làm rõ những kiến nghị về tịch thu tang vật vi phạm; tăng biên chế chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và tăng kinh phí cho các lực lượng bảo đảm an toàn giao thông./.

Quỳnh Hoa-Phúc Hằng (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục