Tìm giải pháp cho dân vùng nhiễm mặn Phước Minh

Kể từ khi dự án Quán Thẻ đi vào sản xuất, vùng đất xã Phước Minh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận đã dần trở thành vùng đất "chết."
Kể từ khi dự án khu kinh tế muối công nghiệp và xuất khẩu Quán Thẻ đi vào sản xuất đến nay, vùng đất xã Phước Minh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận đã dần trở thành vùng đất "chết" vì nhiễm mặn, cuộc sống của hơn 300 hộ dân ở hai thôn Quán Thẻ 1 và 2, xã Phước Minh gặp vô vàn khó khăn.

Mặc dù đã trải qua 6 cuộc đối thoại, nhưng đến nay, việc thống nhất phương án giải quyết bồi thường thiệt hại do nhiễm mặn giữa Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đầu tư Phát triển - Sản xuất Hạ Long (chủ đầu tư dự án khu kinh tế muối công nghiệp và xuất khẩu Quán Thẻ), Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận, huyện Thuận Nam và người dân vùng nhiễm mặn Phước Minh vẫn chưa ngã ngũ.

Để tìm hướng giải quyết vấn đề trên, Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận đã tổ chức cuộc họp giữa tỉnh với Công ty Hạ Long và một số hộ dân đại diện cho hơn 300 hộ dân vùng dự án bị thiệt hại do nhiễm mặn.

Tại hội nghị, các bên đã thống nhất đưa ra 3 phương án giải quyết để người dân lựa chọn. Phương án 1 là bố trí khu tái định cư kết hợp với giải quyết việc làm (Nhà nước xây dựng nhà tại khu tái định cư giao cho dân, tuy nhiên sẽ tính phần chênh lệch, nếu thừa tiền trả lại cho dân, thiếu tiền dân bù vào. Đối với đất vườn, hoán đổi bằng đất nuôi trồng thủy sản ở địa phương khác ven biển thuộc huyện. Các công trình vật kiến trúc, hoa màu còn lại bồi thường 100%);

Phương án 2 là bố trí khu tái định cư, thu hồi đất theo Nghị định 69 của Chính phủ (bồi thường 100%, sau đó người dân vào khu tái định cư được bố trí tại Trung tâm hành chính huyện với diện tích 150 m2/hộ và tự xây nhà);

Phương án 3 là người dân ở tại chỗ, Công ty bồi thường 100% về đất và nhà cửa, công trình vật kiến trúc thiệt hại, có biện pháp ngăn chặn mặn và về sau người dân không được khiếu nại về thiệt hại.

Theo nhiều người dân vùng nhiễm mặn, nếu muốn khỏi bị cản trở sản xuất, công ty phải nhanh chóng thực hiện đền bù cho người dân về phần đất đã nhiễm mặn trước, chậm nhất là trong vòng 1 tháng, những thiệt hại khác như vật kiến trúc, nhà cửa, hoa màu... bồi thường sau.

Bên cạnh đó, công ty phải dừng bơm nước biển vào sản xuất muối cho đến khi nào việc bồi thường thiệt hại được công ty giải quyết.

Tại cuộc đối thoại, tuy nguyện vọng chính đáng của người dân được nói lên, thế nhưng đối với lãnh đạo Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đầu tư Phát triển - Sản xuất Hạ Long, câu trả lời cho người dân vẫn là sự im lặng.

Do bất thành trong việc tìm hướng giải quyết đền bù thiệt hại nên liên tục trong 5 ngày nay (từ ngày 27 đến ngày 31/1), người dân vùng nhiễm mặn đã gây cản trở công ty sản xuất./.

Công Thử (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục