Cứu trợ không thể đảo ngược nợ công châu Âu

Các nhà phân tích cảnh báo quỹ cứu trợ khẩn cấp trị giá 750 tỷ euro sẽ không thể đảo ngược tình trạng nợ công tăng vọt ở châu Âu.
Quỹ cứu trợ 750 tỷ euro (tương đương 1.000 tỷ USD) của Liên minh châu Âu (EU) đã chặn đứng đà giảm giá của đồng euro và tạo đà để các thị trường toàn cầu tăng vọt trong phiên giao dịch ngày 11/5.

Tuy nhiên, động thái này vẫn không che lấp được một vấn đề mấu chốt trong khối đồng tiền chung euro (Eurozone) là các chính phủ có thể vẫn chi tiêu thiếu thận trọng và dồn trách nhiệm cho các đồng minh của họ bằng việc vay nợ.

Gói cứu trợ "gây sốc" nói trên đã được thông qua sau nhiều tuần cân nhắc, trong lúc đồng euro liên tục rớt giá và các thị trường toàn cầu tụt dốc trước những lo ngại về sự lây lan khủng hoảng nợ ở Hy Lạp sang một số nước châu Âu khác.

Theo nhà kinh tế trưởng Marco Annunziata ở UniCredit Group, với một quy mô lớn như vậy, gói cứu trợ đã thu hẹp những lỗ thủng ngân sách và giảm bớt tình trạng đầu cơ. Phó Chủ tịch Gary Goldberg Financial Services ở Suffern, New York, Oliver Pursche, nói châu Âu đã hành động dứt khoát để bảo toàn giá trị đồng euro.

Sau nhiều giờ thảo luận căng thẳng trong ngày 10/5, các quan chức châu Âu đã cùng 16 nước Eurozone đưa ra 572 tỷ USD (440 tỷ euro) khoản vay mới và bơm thêm 78 tỷ USD (60 tỷ euro) cho chương trình cho vay đang thực hiện.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng sẽ đóng góp 325 tỷ USD (250 tỷ euro) cho gói cứu trợ.

Ủy ban châu Âu (EC) đã huy động số tiền trên từ các thị trường vốn với sự bảo lãnh từ chính phủ các nước thành viên và cho các nước bị tác động của khủng hoảng vay để thanh toán nợ. Tuy nhiên, nhiều câu hỏi vẫn chưa có câu trả lời như số tiền cứu trợ sẽ được phân phối như thế nào và trong những lĩnh vực nào.

Cuộc khủng hoảng nợ đã dẫn tới những lo ngại về một sự hoảng loạn như đã xảy ra trong vụ sụp đổ của ngân hàng đầu tư Lehman Brothers năm 2008 và khiến các ngân hàng cắt giảm cho vay, đồng thời giáng một đòn mạnh lên các thị trường chứng khoán.

Lo ngại đồng euro yếu hơn và thảm họa kinh tế-tài chính ở châu Âu sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã nhất trí cung cấp USD cho Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) thông qua việc trao đổi euro để cho các ngân hàng khu vực vay với một lãi suất cố định.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cảnh báo quỹ cứu trợ khẩn cấp sẽ không thể đảo ngược tình trạng nợ công tăng vọt ở châu Âu, thậm chí có thể còn khiến tình hình thêm tồi tệ.

Theo nhà phân tích Jeremy Batstone-Carr ở công ty môi giới chứng khoán Charles Stanley, một cơn khát mới sẽ tới sau khi các nước được bơm tiền. Việc bơm tiền cho Hy Lạp và các nước khác có thể cũng đang ngập trong nợ sẽ làm tăng gánh nặng nợ nần và thâm hụt ngân sách của cả khu vực trong khi vấn đề vẫn chưa được giải quyết tận gốc.

Các quan chức EU nói bước tiếp theo sẽ là tăng cường sự phối hợp giữa các nước thành viên, trong đó có việc đề ra các nguyên tắc cứng rắn hơn nhằm khống chế nợ công trong mức giới hạn 3% GDP - quy định của khối mà nhiều nước thành viên đã không tuân thủ.

Một số chuyên gia cho rằng cuộc khủng hoảng hiện nay cho thấy sự cần thiết phải có một bước nhảy lớn về lượng trong sự hợp tác giữa các nước châu Âu.

Theo ông Annunziata, những vấn đề cốt lõi khác vẫn chưa được đề cập tới là các biện pháp nhằm tăng cường những nguyên tắc tài chính và những cải cách cơ cấu. Ông nghi ngờ sự thành công trong hợp tác về tài chính của khu vực, khi điều này đòi hỏi những đồng thuận sâu hơn về chính trị.

Chủ tịch EU Herman Van Rompuy nói chính phủ các nước châu Âu cần cân nhắc việc chia sẻ các sức mạnh kinh tế và tạo ra một liên minh tiền tệ không phải dưới hình thức của một liên minh kinh tế và chính trị - một nhiệm vụ lớn của khu vực trong những tháng tới. Ông sẽ thảo một số quy định khắt khe hơn trong vấn đề giới hạn mức nợ và thâm hụt ngân sách để các nhà lãnh đạo EU thảo luận vào tháng 10 tới.

Các vấn đề chủ chốt đối với Eurozone hiện nay là mức tăng trưởng gần 0%, tỷ lệ thất nghiệp cao và các chính phủ không sẵn sàng để thực hiện các bước cần thiết để đưa người lao động trở lại làm việc nhiều hơn và lâu dài hơn.

Nhà kinh tế Simon Tilford thuộc nhóm tư vấn Center for European Reform cảnh báo cho đến nay, chính phủ các nước châu Âu đã không theo kịp những thay đổi của tình hình. Điều mà châu Âu cần lúc này là một hiệp ước tăng trưởng, bởi nếu không tài chính công sẽ không thể ổn định.

Thậm chí, ông Van Rompuy cảnh báo các nước trong khối có thể phải dừng các chương trình phúc lợi xã hội nếu không thể đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng, được dự đoán sẽ chỉ ở mức 1% trong năm nay.

Với mức tăng trưởng này, vị thế của EU trên thế giới sẽ bị hạ thấp. Do đó, châu Âu cần nâng tỷ lệ tăng trưởng lên gấp đôi so với mức dự đoán. Tuy nhiên, đây là mục tiêu mà theo nhiều nhà phân tích là khó có thể đạt được.

Theo nhà kinh tế hàng đầu châu Âu Jennifer McKeown ở Capital Economics, gói cứu trợ sẽ không giúp các nền kinh tế Eurozone như Hy Lạp, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha tránh được một giai đoạn dài cực kỳ khó khăn và sẽ không xóa bỏ được lo ngại về sự sụp đổ của đồng euro. Đồng tiền này có thể sẽ giảm giá mạnh hơn nữa, xuống mức 1,2 USD vào cuối năm nay.

Còn nhà kinh tế Michael Schubert ở Commerzbank cho rằng việc cứu trợ có thể khuyến khích cách hành xử tắc trách trong các nước Eurozone, với suy nghĩ khi họ chi tiêu quá mức họ sẽ được cứu trợ. Giải pháp lâu dài và duy nhất mà ngân hàng NIBC của Hà Lan đưa ra cho các nước như Hy Lạp là tái cơ cấu nợ./.

Lê Minh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục