Nhiều ngân hàng thương mại tăng vốn điều lệ

Thống đốc NHNN vừa có văn bản chấp thuận cho Vietinbank tăng vốn điều lệ đợt 2 năm 2011, từ 16.858 tỷ đồng lên 20.230 tỷ đồng.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước vừa có văn bản chấp thuận cho Ngân hàng thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam (Vietinbank) tăng vốn điều lệ đợt 2 năm 2011, từ 16.858 tỷ đồng lên 20.230 tỷ đồng thông qua việc phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu.

Phương án tăng vốn điều lệ đã được Đại hội đồng cổ đông của Vietinbank thông qua từ 31/5, trong đó cổ đông nhà nước góp thêm 2.708 tỷ đồng. Để triển khai tăng vốn điều lệ, Vietinbank có trách nhiệm hoàn thành các thủ tục theo quy định và sử dụng vốn điều lệ được cấp hiệu quả, an toàn.

Đặc biệt, dành và ưu tiên vốn tín dụng cho khu vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp chế biến, doanh nghiệp nhỏ và vừa; tuân thủ đúng quy định về các tỷ lệ an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, đồng thời thực hiện có kết quả mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Như vậy, năm 2011 đã có nhiều ngân hàng, tổ chức tài chính đề xuất và được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho tăng vốn điều lệ. Trong số này có Ngân hàng thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) tăng từ 6.932 tỷ đồng lên 8.788 tỷ đồng từ nguồn lợi nhuận còn lại chưa phân phối và nguồn quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ.

Cùng đó, Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cũng được chấp thuận tăng vốn điều lệ từ 4.000 tỷ đồng lên 5.050 tỷ đồng. Ngân hàng Thương mại cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) tăng vốn điều lệ từ 10.560 tỷ đồng lên 12.355 tỷ đồng từ nguồn thặng dư vốn cổ phần.

Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn Công Thương tăng vốn điều lệ lên 3.500 tỷ đồng. TinNghiaBank tăng mức vốn điều lệ từ 3.399 tỷ đồng lên 4.588 tỷ đồng... Công ty tài chính cổ phần Handico cũng được chấp thuận tăng vốn điều lệ từ 350 tỷ đồng lên 550 tỷ đồng bằng phương thức chào bán cổ phần riêng lẻ cho cổ đông hiện hữu.

Hiện cả nước có 52 ngân hàng thương mại, 51 chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 31 tổ chức tín dụng phi ngân hàng, 1 Quỹ tín dụng nhân dân Trung ương, 1.083 quỹ tín dụng cơ sở và 1 tổ chức tài chính quy mô nhỏ, gánh vác một nhiệm vụ quan trọng trong việc huy động và cung ứng vốn cho nền kinh tế, duy trì tốc độ tăng trưởng GDP cao và ổn định trong nhiều năm qua.

Tuy nhiên, bên cạnh việc tăng quy mô vốn, việc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng đang được tính toán nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, hoạt động an toàn, lành mạnh và phát triển bền vững cho toàn hệ thống. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong giai đoạn tới./.

Thu Hằng (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục