Ngân hàng và DN cùng bàn giải pháp hạ lãi suất

Ngày 6/9, tại Hà Nội, Cổng thông tin Laisuat.vn phối hợp với VCCI tổ chức hội thảo “Doanh nghiệp trước tác động của chính sách tiền tệ”. Tại hội thảo, các chuyên gia kinh tế nhận định, do lãi suất vay quá cao khiến cho hiệu quả kinh doanh suy giảm mạnh và các doanh nghiệp buộc phải cầm cự bằng vốn lưu động trong thời gian ngắn. Bên cạnh đó, chính sách thắt chặt tiền tệ thời gian qua còn khiến cho tăng trưởng kinh tế, lượng cung tiền và tín dụng đều giảm mạnh so với cùng kỳ 2010.
Ngày 6/9, tại Hà Nội, Cổng thông tin Laisuat.vn phối hợp với VCCI tổ chức hội thảo “Doanh nghiệp trước tác động của chính sách tiền tệ”.

Tại hội thảo, các chuyên gia kinh tế nhận định, do lãi suất vay quá cao khiến cho hiệu quả kinh doanh suy giảm mạnh và các doanh nghiệp buộc phải cầm cự bằng vốn lưu động trong thời gian ngắn. Bên cạnh đó, chính sách thắt chặt tiền tệ thời gian qua còn khiến cho tăng trưởng kinh tế, lượng cung tiền và tín dụng đều giảm mạnh so với cùng kỳ 2010.

Tại hội thảo, một số doanh nghiệp cho rằng, việc Chính phủ đang thực hiện hàng loạt gói giải pháp để kéo lạm phát giảm là cần thiết trong điều kiện kinh tế khó khăn như hiện nay. Tuy nhiên, chính sách thắt chặt tiền tệ cũng đang  khiến các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp nhiều khó khăn.

Đã có nhiều doanh nghiệp không chịu nổi phải tạm ngừng hoạt động hoặc chuyển đổi sản xuất kinh doanh.

Ông Phạm Quang Trung, Giám đốc công ty Đồng Bằng than thở, lãi suất ngân hàng hiện quá cao. “Một năm doanh nghiệp làm ra lợi nhuận 20%-30%, vậy mà năm nay lãi suất cho vay trung bình của ngân hàng trên 22%/năm thì làm sao doanh nghiệp làm ăn có lãi.

Ông Trung cho rằng, Ngân hàng Nhà nước hạn chế tăng trưởng tín dụng cao ở một số ngành, một số doanh nghiệp đang đói vốn trong khi một số doanh nghiệp khác như bất động sản tài chính lại có vốn. Ông Trung cho rằng, đối với sản xuất lẽ ra nên nới lỏng tín dụng. Thắt chặt đều như thế có thể gây phá sản hàng loạt doanh nghiệp mà lại không kiềm chế được lạm phát.

Đồng quan điểm này, chuyên gia tài chính Vũ Đình Ánh cũng cho biết, chỉ có 60% vốn của doanh nghiệp phục vụ cho hoạt động chính (khi lãi suất đến 20%), nên có khi lãi suất thực doanh nghiệp phải gánh đến 30%.

TS. Vũ Đình Ánh dẫn lời một giám đốc ngân hàng cho biết: Trong 5 vạn khách hàng doanh nghiệp chỉ có 10% - 15% có quan hệ thường xuyên với ngân hàng. Trong đó có tới 70% số doanh nghiệp khó khăn, 30% rất khó khăn.

Theo TS Ánh, vấn đề lãi suất chỉ là một trong những yếu tố làm trầm trọng hóa tình trạng doanh nghiệp. Nguyên nhân căn bản là việc mất cân đối từ gốc và sự thiếu tập trung trong hoạt động của doanh nghiệp. Cơ cấu vốn của các doanh nghiệp hiện nay rất mong manh, các doanh nghiệp tư nhân có vốn chủ sở hữu/tổng vốn hoạt động 15%-20%; doanh nghiệp Nhà nước chỉ là 10%. Hơn 60% doanh nghiệp lấy quá nhiều vốn ngắn hạn đầu tư trung dài hạn, đa số doanh nghiệp đều đầu tư ngoài ngành. Có hơn 90% doanh nghiệp có dính dáng đến bất động sản. Chỉ có 60% vốn của doanh nghiệp phục vụ cho hoạt động chính (khi lãi suất đến 20% thì mức lãi phải trả cho 100% khoản vay trong khi chỉ có 60% vốn là sử dụng có hiệu quả, nên có khi lãi suất thực doanh nghiệp phải gánh đến 30%.

TS. Vũ Đình Ánh cho rằng, hiện lạm phát của Việt Nam đã đạt đỉnh và sẽ có chiều hướng giảm từ giờ đến cuối năm. Theo ông Ánh, lạm phát của tháng Chín sẽ không quá 1%, lạm phát của cả năm 2011 sẽ rơi vào khoảng 20%. Tuy nhiên, yếu tố lạm phát còn chịu những tác động rất lớn vào tình hình kinh tế thế giới, khi mà xác suất để thế giới lâm vào khủng hoảng như năm 2008 đã lên đến 60%.

Ông Vũ Hữu Nghĩa, Vụ trưởng Vụ dự báo thống kê Ngân hàng Nhà nước thì cho rằng, nếu chúng ta nhìn lại 10 năm trước thì tổng phương tiện thanh toán đã tăng 26%, tín dụng tăng 30%. Như vậy, tiền tệ đóng vai trò hết sức quan trọng sự phát triển của doanh nghiệp.

Việc thắt chặt tiền tệ có tác động bất lợi nhất định đến doanh nghiệp như lãi suất tăng cao, đây là tác động không mong muốn. Trong mấy ngày gần đây, Ngân hàng Nhà nước đưa ra các thông điệp rất rõ rằng gỡ khó khăn cho doanh nghiệp như giảm lãi suất 17-19%, mua trái phiếu của doanh nghiệp, sửa đổi các quy định cho vay ngoại tệ… nhưng vẫn thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ để kiềm chế lạm phát.

Cũng theo ông Nghĩa, trong bối cảnh lạm phát cao, bản thân doanh nghiệp và ngân hàng đã có những điều chỉnh kinh doanh để khắc phục. Tuy nhiên, doanh nghiệp nên tiết kiệm vốn để sử dụng hiệu quả hơn. Đây là biện pháp phát triển lâu dài và ổn định cho doanh nghiệp.

TS. Đinh Thế Hiển, Giám đốc Viện Nghiên cứu Tin học và kinh tế ứng dụng cũng khuyến cáo: Doanh nghiệp cần tự giảm nhu cầu vốn hợp lý để tăng khả năng huy động vốn; đồng thời mạnh dạn cắt bỏ hoạt động kinh doanh kém hiệu quả, liên kết và hợp tác trong việc cung ứng sản phẩm dịch vụ.

Tại hội thảo, ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cho biết, nhằm chia sẻ những khó khăn hiện nay với các doanh nghiệp, ngân hàng này sẽ dành ra 3.000 tỷ đồng cho vay với lãi suất ưu đãi cho một số doanh nghiệp thuộc lĩnh vực sản xuất, xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực y tế, giáo dục. Mức lãi suất áp dụng từ 17-19%/năm./.

Thúy Hà (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục