Cùng thương vụ tại nước ngoài thúc đẩy xuất khẩu

Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương đã tọa đàm với 64 thương vụ Việt Nam tại nước ngoài về thúc đẩy xuất khẩu nông, lâm, thủy sản.
Ngày 16/12, tại Hà Nội, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công Thương tọa đàm với 64 tham tán, tùy viên, đại diện thương mại Việt Nam tại nước ngoài về thúc đẩy xuất khẩu nông, lâm, thủy sản.

Thực tế cho thấy nhiều năm qua, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam còn gặp phải nhiều rào cản kỹ thuật, như thanh long xuất khẩu vào thị trường Mỹ, Đài Loan; thủy sản xuất khẩu vào EU, Mỹ. Vì vậy, việc xác định được quy trình xử lý vụ việc giữa các bên liên quan là rất cần thiết.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, vấn đề còn tồn tại chính là việc thiếu trao đổi thông tin giữa các bên liên quan, giữa các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp với đại diện các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài. Vì vậy, khi xảy ra vụ việc còn lúng túng trong xác định đầu mối để xử lý. Có những vụ việc người ta đưa ra quy định mới từ lâu, nhưng chúng ta không nắm được để xử lý kịp thời.

Ông Đỗ Thanh Hồng - Giám đốc Trung tâm giới thiệu sản phẩm Việt Nam ở NewYork, Mỹ, cho biết nếu doanh nghiệp Việt Nam có nhu cầu xuất khẩu hoặc nhập khẩu từ thị trường Mỹ thì có thể liên hệ với Trung tâm. Trung tâm sẽ là đầu mối, chắp nối cơ hội giữa doanh nghiệp hai bên.

Có ý kiến cho rằng, không chỉ xúc tiến thương mại ở nước ngoài mà nên mở rộng thêm hoạt động xúc tiến thương mại trong nước. Đây cũng là vấn đề quan trọng nhằm trao đổi, nắm thông tin giữa các doanh nghiệp và tình hình thị trường.

Theo đề nghị của Bộ Công Thương, thời gian tới Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nhanh chóng phối hợp với các cơ quan đại diện, Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài thúc đẩy việc ký kết và thực hiện Hiệp định công nhận lẫn nhau về vệ sinh an toàn thực phẩm; các thỏa thuận liên quan đến điều kiện kỹ thuật hàng nông, lâm, thủy sản với các nước, tập trung vào thị trường Nga, các nước SNG, Trung Đông, Tây Á, châu Phi.

Hai Bộ cũng sẽ có biện pháp hỗ trợ, khuyến khích để các doanh nghiệp tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại đối với các mặt hàng nông sản, thủy sản tại các thị trường SNG.

Đối với khu vực châu Mỹ, Bộ Nông nghiệp cử đầu mối thường xuyên nghiên cứu những Luật, chính sách mới của Mỹ về vấn đề nông nghiệp như Luật hiện đại hóa về an toàn vệ sinh thực phẩm của Mỹ; các vấn đề về rà soát hành chính đối với tôm, cá xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này.../.

Hoàng Tùng (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục