Đối thoại về phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam

Đối thoại về phòng, chống tham nhũng lần thứ 11 chủ đề phòng, chống tham nhũng tại địa phương đã diễn ra ngày 6/12 tại Hà Nội.
Ngày 6/12, tại Hà Nội, Thanh tra Chính phủ phối hợp với Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Đại sứ quán Vương quốc Anh và Bộ Phát triển Quốc tế Vương quốc Anh tại Việt Nam tổ chức Đối thoại về phòng, chống tham nhũng lần thứ 11 với chủ đề “Công tác phòng, chống tham nhũng tại địa phương: Thực trạng và giải pháp.”

Đến dự và phát biểu chỉ đạo, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ tham nhũng đã trở thành trách thức toàn cầu, không phân biệt khu vực địa lý, chế độ chính trị hay trình độ phát triển.

Đấu tranh với tham nhũng là một cuộc chiến lâu dài và cần có sự hợp tác của tất cả các quốc gia. Chính phủ Việt Nam, chính quyền các cấp, các bộ ngành địa phương khẳng định quyết tâm thi hành công tác phòng chống tham nhũng mạnh mẽ, kiên quyết hơn nữa bằng những hành động kịp thời.
 
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh trong thời gian hơn một năm qua, Việt Nam đã tiến hành nhiều hoạt động để tổng kết, đánh giá toàn diện công tác phòng chống tham nhũng như sơ kết thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 của Đảng, đánh giá kết quả 5 năm thực hiện Luật phòng chống tham nhũng… Việc tổng kết đánh giá đã làm rõ bức tranh tổng thể về thực trạng, nhất là những mặt còn tồn tại, yếu kém trong công tác phòng, chống tham nhũng. Kết quả là cơ sở để Đảng, Nhà nước Việt Nam quyết định những chính sách, giải pháp quan trọng về phòng chống tham nhũng trong thời gian tới.
 
Đây là lần đầu tiên, công tác phòng chống tham nhũng ở địa phương được chọn là chủ đề cho đối thoại. Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: "Chúng ta cũng có thể thấy rõ vai trò quan trọng của các cấp chính quyền địa phương khi phân tích sự khác biệt trong kết quả xếp hạng về “Chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh” và “chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh”. Như về công tác quản lý đất đai, trong khi ở nhiều địa phương, khiếu kiện về đất đai là vấn đề hết sức nóng, nan giải thì vẫn có những địa phương làm tốt việc này."
 
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các đại biểu dự Đối thoại cần tập trung làm rõ thực trạng, nhất là những mặt còn yếu kém, từ đó đề xuất giải pháp gắn với đặc thù của công tác phòng chống tham nhũng ở địa phương. Các cơ quan chức năng, các địa phương cần nghiên cứu kỹ các kinh nghiệm, xem xét khả năng vận dụng phù hợp với điều kiện thực tiễn. Đối với những điển hình tốt của các địa phương, cần có sự đánh giá xây dựng mô hình chuẩn để triển khai nhân rộng thời gian tới.
 
Đại sứ Anh tại Việt Nam Antony Stokes đánh giá năm 2012, Việt Nam đã có ba bước phát triển lớn: sửa đổi Luật phòng chống tham nhũng; phân tích, nghiên cứu và tích cực xuất bản các báo cáo về phòng chống tham nhũng; các nhà lãnh đạo địa phương cũng cam kết hành động để phòng chống tham nhũng.
 
Ông Antony Stokes cho rằng, bên cạnh những thành công thì tham nhũng ở Việt Nam vẫn còn nặng nề cho nên cần phải có sự phối hợp, hợp tác chặt chẽ hơn nữa để thực thi các biện pháp phòng, chống tham nhũng. Các nhà lãnh đạo địa phương cũng cần hành động mạnh mẽ hơn nữa để phòng chống tham nhũng nhất là trong lĩnh vực công.
 
Với quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự cố gắng, nỗ lực của các cơ quan chức năng, các tổ chức, đoàn thể, cơ quan báo chí và nhất là vai trò quan trọng của nhân dân, công tác phòng chống tham nhũng ở Việt Nam tiếp tục có nhiều tiến triển tích cực. Công tác phòng chống tham nhũng được lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện; vai trò, trách nhiệm của xã hội trong phòng chống tham nhũng được phát huy mạnh mẽ; các giải pháp phòng ngừa tham nhũng được tăng cường thực hiện; hiệu quả phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng được nâng cao; hợp tác quốc tế và công tác thực thi Công ước Liên hợp quốc về phòng chống tham nhũng được chú trọng.
 
Đánh giá về công tác phòng chống tham nhũng của các địa phương trong 5 năm qua (2007-2012), Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng nêu rõ, trong 5 năm (2007-2012), công tác phòng chống tham nhũng ở các địa phương đã đạt kết quả và chuyển biến rõ nét. Công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng chống tham nhũng đã đạt được những chuyển biến về nhận thức, ý thức và chuyển thành hành động.Các biện pháp phòng ngừa tham nhũng được thực hiện đồng bộ, nhất là việc công khai, minh bạch trong hoạt động của bộ máy cơ quan nhà nước, cải cách hành chính, xây dựng chế độ, định mức, tiêu chuẩn, thực hiện quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp. Công tác phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện xử lý tham nhũng có chuyển biến rõ hơn. Trên một số lĩnh vực, tham nhũng từng bước được kiềm chế.
 
Tuy nhiên, nhìn chung công tác phòng chống tham nhũng tại các địa phương chưa đạt yêu cầu, mục tiêu đề ra là ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng. Một số cơ chế, chính sách chậm được bổ sung, sửa đổi dẫn đến hiệu quả thấp trong tổ chức thực hiện; công khai, minh bạch, dân chủ trên một số mặt còn hạn chế (nhất là trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai, khai thác tài nguyên, khoáng sản, quản lý thu chi ngân sách…); việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng, sai phạm chưa nghiêm, chưa tương xứng với số vụ việc tham nhũng được phát hiện, xử lý; hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân về công tác phòng chống tham nhũng chưa sâu; vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên chưa được phát huy đúng mức; hoạt động của Ban thanh tra nhân dân và Ban Giám sát đầu tư cộng đồng còn lúng túng, chưa thường xuyên và có phần còn hình thức.
 
Các đại biểu dự Đối thoại đánh giá hiện nay tham nhũng vẫn diễn ra nghiêm trọng với những biểu hiện tinh vi, phức tạp, diễn ra ở nhiều lĩnh vực, nhiều cấp, nhiều ngành, gây bức xúc, bất bình trong xã hội và tiếp tục là thách thức lớn đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước.

Các nhà tài trợ và các đối tác phát triển đều thể hiện sự ủng hộ đối với quyết tâm đẩy lùi tham nhũng của Chính phủ Việt Nam.

Để công tác phòng chống tham nhũng ngày càng có hiệu quả, các đại biểu đề nghị cần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử trong việc phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng; bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về phòng chống tham nhũng, nhất là tiếp tục nghiên cứu để sửa đổi toàn diện Luật phòng chống tham nhũng; cần đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong công tác phòng chống tham nhũng tại địa phương; tăng cường tính công khai, minh bạch trong hoạt động phòng chống tham nhũng; đẩy mạnh hơn nữa sự tham gia giám sát của các tổ chức, đoàn thể, người dân và báo chí trong công tác phòng chống tham nhũng../.

Phúc Hằng (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục