Cải cách hệ thống thuế trong giai đoạn 2011-2015

Bộ Tài chính duyệt Kế hoạch cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011 và các đề án thực hiện cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011-2020.
Bộ Tài chính vừa có quyết định 2162/QĐ-BTC phê duyệt Kế hoạch cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011 và các đề án triển khai thực hiện Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011-2020.

Theo đó, một trong những nội dung quan trọng trong kế hoạch cải cách hệ thống thuế là hệ thống chính sách thuế được xây dựng, hoàn thiện bảo đảm tính minh bạch, rõ ràng, dễ hiểu, dễ thực hiện; mở rộng cơ sở thuế để phát triển nguồn thu, bao quát các nguồn thu mới phát sinh và theo cơ cấu tăng nguồn thu nội địa (không kể dầu thô) trong tổng thu ngân sách Nhà nước.

Cụ thể, đến năm 2015 cơ cấu thu nội địa đạt 70% và 80% tổng thu ngân sách Nhà nước đến năm 2020. Giai đoạn 2011-2015 tỷ lệ huy động thu ngân sách Nhà nước khoảng 23-24% GDP; trong đó từ phí và lệ phí khoảng 22-23% GDP; tốc độ tăng trưởng số thu thuế, phí, lệ phí bình quân hàng năm 16-18% /năm.

Theo Kế hoạch cải cách hệ thống thuế, giai đoạn này các sắc thuế, phí và lệ phí chủ yếu gồm: thuế giá trị gia tăng; thuế tiêu thụ đặc biệt; thuế xuất, nhập khẩu; thuế thu nhập doanh nghiệp; thuế thu nhập cá nhân; thuế tài nguyên; thuế sử dụng đất nông nghiệp; thuế sử dụng đất phi nông nghiệp; thuế bảo vệ môi trường; các loại phí và lệ phí.

Đồng thời, chuyển thuế môn bài thành một khoản thu lệ phí quản lý hoạt động kinh doanh hàng năm; hoàn thiện các chế độ thu từ tài nguyên, khoáng sản quốc gia như: thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thu đấu giá quyền khai thác khoáng sản và thu từ dầu khí…

Các đề án triển khai thực hiện Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011-2020 được Bộ Tài chính phê duyệt bao gồm cải cách thể chế thuế; tổ chức bộ máy và phát triển nguồn nhân lực ngành thuế; cải cách và hiện đại hóa công tác tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế; đổi mới và tăng cường năng lực công tác thanh tra, kiểm tra người nộp thuế; đổi mới và tăng cường năng lực công tác quản lý đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế, hoàn thuế, chế đô kế toán thuế; đổi mới và tăng cường năng lực công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế; hiện đại hoá công tác quản lý thuế trên cơ sở phát triển hệ thống công nghệ thông tin gắn với hiện đại hóa hạ tầng kỹ thuật; hiện đại hóa cơ sở vật chất ngành thuế; phát triển trường nghiệp vụ thuế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục