Đại biểu Quốc hội cho ý kiến vào hai dự thảo luật

Chiều 8/11, các đại biểu Quốc hội làm việc tại tổ, thảo luận, cho ý kiến vào dự thảo Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật và dự thảo Luật Giá.
Chiều 8/11, các đại biểu Quốc hội làm việc tại tổ, thảo luận, cho ý kiến vào dự thảo Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật và dự thảo Luật Giá.

Hình thành thói quen tôn trọng pháp luật

Các đại biểu cho rằng cần thiết phải ban hành Luật phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao kiến thức, hiểu biết về pháp luật của người dân, tiến tới hình thành thói quen tôn trọng pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân và của xã hội.

Đại biểu Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) nhận định hiện nay vẫn còn tình trạng thờ ơ với pháp luật, đứng ngoài pháp luật…, vì vậy việc ban hành Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật là vô cùng cần thiết, nhằm xây dựng, nâng cao ý thức pháp luật của xã hội và cá nhân, từng bước hình thành thói quen tôn trọng pháp luật.

Tuy nhiên, các đại biểu cũng cho rằng dự thảo Luật vẫn nhiều còn nhiều điều quy định chung chung với các biện pháp một chiều nhằm đưa kiến thức pháp luật tới người dân chứ chưa chú trọng đến hình thức tuyên truyền cho phù hợp với từng đối tượng cụ thể.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Thanh Hòa (Bắc Ninh), Thạch Dư (Trà Vinh) và nhiều đại biểu khác, nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật còn nặng theo hướng chủ quan của cơ quan, tổ chức làm công tác ngày mà chưa xuất phát từ nguyện vọng của đối tượng được phổ biến, giáo dục pháp luật.

Đại biểu Thạch Dư (Trà Vinh), Nguyễn Thị Khá và Nguyễn Thị Thanh Hòa đề nghị công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cần thực hiện thường xuyên, liên tục chứ không nên theo phong trào, lấy thành tích…, không chỉ phổ biến bằng văn bản mà nên có các hình thức phù hợp như hỏi đáp, tìm hiểu dễ nhớ, dễ hiểu và dễ áp dụng vào thực tế.

Về xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, các đại biểu đề nghị Luật cần đưa ra được các quy định cụ thể về các biện pháp thúc đẩy việc xã hội hóa đối với công tác này chứ không nên quy định chung chung bằng các từ “khuyến khích”, “hỗ trợ”...

Về vấn đề này, đại biểu Phạm Thị Phương (Hà Tĩnh) đề nghị cần cân nhắc cẩn trọng hơn về tính khả thi của xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và Luật chỉ nên quy định Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện và có chính sách hỗ trợ đối với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

Nhiều đại biểu cho rằng cần bổ sung quy định về việc giáo dục pháp luật trong gia đình, cơ quan, tổ chức, nhất là giáo dục đối với phạm nhân, học sinh trường giáo dưỡng, cần quy định cụ thể hơn các đối tượng cần được ưu tiên hay bắt buộc được giáo dục phổ biến pháp luật.

Để công tác phổ biến, giáo dục pháp luật phát huy hiệu quả, các đại biểu đề nghị dịch ra tiếng dân tộc thiểu số những Bộ Luật thiết yếu, các văn bản, tài liệu tuyên truyền, cần linh hoạt trong hình thức phổ biến, thực hiện đơn giản, phù hợp với từng vùng, miền để người dân có thể tiếp cận dễ dàng. Đặc biệt cần bỏ quy định coi đội ngũ báo cáo viên pháp luật là đội ngũ chuyên nghiệp và cần có những quy định mở để tận dụng đội ngũ già làng, trưởng bản, người có uy tín, có kinh nghiệm... trong xã hội để làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

Công khai minh bạch và quy định chặt chẽ về giá

Cho ý kiến vào dự thảo Luật Giá, đa số đại biểu nhận định việc ban hành Luật Giá là cần thiết trong bối cảnh hiện nay nhằm tiếp tục đổi mới phương thức quản lý giá, khắc phục những bất cập hiện tại để quản lý giá phù hợp với cơ chế thị trường và đảm bảo khuyến khích cạnh tranh về giá.

Việc ban hành Luật Giá sẽ góp phần quan trọng vào bình ổn giá thị trường, ổn định kinh tế vĩ mô, khắc phục những tác động tiêu cực của kinh tế thị trường và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh và người tiêu dùng.

Cùng quan điểm với đánh giá của Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội, nhiều đại biểu nhận định dự thảo Luật đã được hoàn thiện một bước, đã quy định rõ ràng và chi tiết về quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong hoạt động về giá, về điều tiết giá của Nhà nước, thẩm định giá… Tuy nhiên, dự thảo Luật vẫn chưa đạt được mục tiêu phù hợp với cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, giảm thiểu sự can thiệp của Nhà nước vào quan hệ cung cầu. Nhiều nội dung của dự thảo Luật tập trung quy định về quản lý nhà nước, chú trọng đến vai trò của các cơ quan nhà nước trong quyết định và điều tiết giá.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo (Vĩnh Phúc), Trần Tiến Dũng (Hà Tĩnh) cho rằng để Luật Giá đi vào cuộc sống cần thực hiện trên nguyên tắc phát triển chung, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đã gia nhập WTO được 5 năm. Luật phải đưa ra được những quy định rất cụ thể trong công tác quản lý giá, như về bình ổn giá, hàng hóa, dịch vụ thuộc diện bình ổn giá, thẩm quyền quyết định và công bố biện pháp bình ổn giá, xác định hàng hóa, dịch vụ thuộc quyền định giá của Nhà nước , việc phân định thẩm quyền định giá , căn cứ, phương pháp định giá ..., cần công khai minh bạch và quy định chặt chẽ về giá, để tạo lòng tin cho người tiêu dùng.

Về chính sách bình ổn giá, thực tế cho thấy bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn nhiều tồn tại đáng lưu tâm. Chính sách bình ổn chứa đựng nhiều điểm bất cập, chưa bảo đảm tính công bằng do cơ bản chỉ áp dụng ở một số thành phố lớn, tại các siêu thị, cửa hàng lớn, những nơi người nghèo không thể tiếp cận.

Đặc biệt, việc áp dụng chính sách không đi đôi với biện pháp kiểm soát thực hiện dẫn đến lợi dụng chính sách để đầu cơ trục lợi, người dân không được hưởng ưu đãi, sử dụng ngân sách nhà nước lãng phí, kém hiệu quả, đã tạo dư luận không tốt trong một bộ phận người tiêu dùng. Nhiều đại biểu đề nghị cần bảo đảm công bằng khi triển khai thực hiện bình ổn giá và cần có chế tài nghiêm đối với các vi phạm quy định về bình ổn giá../.

Nguyễn Bích Thủy (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục