Cameroon - Nghĩa địa mới của loài voi bị săn bắn

Theo "sơ kết" của người dân Bouba N'Djida, đã có khoảng 200 con voi bị tiêu diệt kể từ giữa tháng Giêng, bởi thợ săn Sudan và Chad.
Ngồi nghễu nghện trên lưng ngựa hoặc lạc đà, tay cầm súng AK, các nhóm thợ săn người Sudan, và có thể cả người Chad, thoải mái xâm nhập khu vực Bouba N'Djida, một địa phương nằm ở phía bắc Cameroon. Đấy là hình ảnh đang trở nên "rất quen thuộc" của các thợ săn người Sudan.

Giờ đang là mùa khô, là mùa làm ăn của những kẻ dễ dàng vượt biên giới đi tìm ngà voi. Để làm gì? Câu trả lời quen thuộc: Xuất khẩu sang Trung Quốc và các nước châu Á khác, thu tiền mua vũ khí phục vụ các xung đột tại khu vực, hoặc đơn giản là bơm vào tài khoản của các băng nhóm mafia có tổ chức tại châu Phi.

Theo "sơ kết" của người dân Bouba N'Djida, đã có khoảng 200 con voi bị tiêu diệt kể từ giữa tháng Giêng - một con số… nghe không quen! Quả thực tiêu diệt voi tại Cameroon đang diễn ra ở một mức độ chưa từng có. Trước đó, voi Trung Phi và voi Chad cũng đã bị tàn sát theo cách như vậy. Vòng ngoài hết, các thợ săn ngày càng tiến sâu vào trong rừng.

Số voi hiện sống tại Cameroon chưa bao giờ được thống kê chính xác, chỉ biết dao động trong khoảng 1.000-5.000 cá thể (số liệu công bố năm 2007 của Hiệp hội quốc tế về bảo tồn thiên nhiên - UICN), trong đó có một số không nhỏ sống tại vùng Bouba N'Djida.

Cách thức hoạt động của các băng nhóm vũ trang đã có sự thay đổi so với các cuộc đi săn tại Cộng hòa Trung Phi và Cộng hòa Chad. Chúng thường "xuất quân" với khoảng 50 người, và một khi vượt qua biên giới sẽ lập tức chia thành nhiều "tiểu đội" tiếp tục hành quân sang Cameroon sau khi nhận được sự tiếp tế hậu cần từ các căn cứ nằm tại Chad.

Tại Cameroon, họ hầu như không gặp phải sự phản ứng nào. Một số người dân địa phương cho phép thợ săn Sudan giết voi để đổi lại một ít thực phẩm, một số khác đồng ý vì đàn voi hay phá phách ruộng nương của họ. Có chăng chỉ là sự ngăn chặn của một vài tay bảo vệ.

Sau mỗi chiến dịch càn quét của các "kỵ sĩ Sudan," những vạt cỏ trong rừng lại được chứng kiến cảnh tượng của một lò mổ lộ thiên, với vô số những gì còn lại của những chú voi bị băm vằm tứ tung. Tại khu bảo tồn thiên nhiên Bouba N'Djida, nơi cấm người dân địa phương xâm nhập, lúc nào cũng có những xác động vật thối rữa biến dạng.

Với vài khẩu MAS 36 cổ lỗ sĩ, 7 tay bảo vệ ăn lương của Bộ Lâm nghiệp Cameroon chả có gì xứng tầm để chiến đấu với "các kỵ sĩ nước ngoài." Năm 2010, đã có hai bảo vệ người địa phương bị giết chết…

Chính quyền địa phương đã phối hợp với Ban bảo tồn Bouba N'Djida thành lập một đội bảo vệ không chuyên gồm khoảng hai chục trai làng nhưng "còn lâu mới ăn thua." Họ không thể vào rừng, cũng không được tăng viện cho dù đã lên tiếng yêu cầu chính quyền.

Tình trạng không bị trừng phạt đối với đám thợ săn chính là cội nguồn của vấn đề. Ở khắp khu vực Trung Phi, mọi nỗ lực bảo tồn đều trở thành công cốc, bởi luật pháp không được thực thi. Những kẻ đi săn không bao giờ bị trừng phạt, và cứ thế...

Săn trộm có vũ trang tại châu Phi đang trở thành vấn đề xuyên quốc gia, vấn đề tội phạm có tổ chức. Vì vậy, theo LAGA, một tổ chức đấu tranh chống buôn bán động vật hoang dã, chống buôn lậu ngà voi không phải là vấn đề tiền bạc, mà còn là vấn đề chính trị.

Tuy nhiên, tại nơi tình trạng nghèo đói và tham nhũng còn phổ biến như một số nước châu Phi, để cuộc chiến này mang lại hiệu quả thực sự không phải là vấn đề đơn giản. Nó đòi hỏi phải có một ý chí chính trị trước tiên

LAGA đang cố gắng xây dựng một hệ thống cảnh báo và hợp tác giữa các quốc gia trong khu vực, nhưng có vẻ như các nỗ lực này chưa đạt được tiến bộ đáng kể nào. Không thể chỉ ngăn chặn các cuộc săn trộm nhỏ lẻ trong rừng, mà trước hết phải chú ý loại bỏ các nhân vật chóp bu cầm đầu đang phè phỡn tại các thành phố.

Trước tình trạng săn bắn voi vô tội vạ tại Bouba N'Djida, Liên minh châu Âu đã lên tiếng thúc giục Chính phủ Cameroon thực thi pháp luật và quyền lực nhà nước tại khu vực bảo tồn quốc gia này, đồng thời cam kết hỗ trợ Cameroon, Trung Phi và Tchad với những điều kiện tốt nhất có thể để bảo vệ loại động vật quan trọng hàng đầu này.

Chỉ có điều các cuộc săn voi vẫn dang diễn ra hàng ngày, trong khi các hỗ trợ này không phải có nói là làm được ngay. Đến khi nhận được viện trợ, đàn voi Cameroon liệu còn được bao nhiêu?
 
Nguyễn Tuyên (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục