Biến đổi khí hậu là cơ hội thúc tăng trưởng ở châu Á

Quá trình làm giảm, thích nghi với biến đổi khí hậu luôn phải song hành với nhau và là cơ hội thúc đẩy tăng trưởng bền vững ở châu Á.
Ngày 4/5, Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc kiêm Thư ký chấp hành Ủy ban Liên hợp quốc về kinh tế và xã hội khu vực châu Á-Thái Bình dương (UNESCAP), tiến sỹ Noeleen Heyzer, nhấn mạnh các quá trình làm giảm và thích nghi với biến đổi khí hậu luôn phải song hành với nhau và là cơ hội để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững và phổ quát hơn ở châu Á-Thái Bình Dương.

Phát biểu tại lễ công bố báo cáo của Ủy ban liên chính phủ của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNIPCC) liên quan đến quản lý các nguy cơ thảm họa và sự kiện thời tiết khắc nghiệt nhằm thích nghi với biến đổi khí hậu (SREX) tổ chức tại Bangkok, Thái Lan, tiến sỹ Heyzer khẳng định cuộc chiến toàn cầu chống đói nghèo không thể thành công nếu không xử lý tốt các hiểm họa đối với những cộng đồng dân cư có nguy cơ cao bị tác động bởi tình trạng biến đổi khí hậu.

Là khu vực thường xảy ra các thảm họa tự nhiên nhất thế giới và cũng dễ bị tổn thương nhất do biến đổi khí hậu, châu Á-Thái Bình Dương phải coi trọng việc giảm nguy cơ thảm họa và sẵn sàng trước mọi tác động của biến đổi khí hậu như là thành phần then chốt của chương trình nghị sự phát triển kinh tế xã hội.

Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc lưu ý thiệt hại của châu Á-Thái Bình Dương do thảm họa tự nhiên trong năm 2011 đã lên tới hơn 366 tỷ USD - chiếm hơn 70% tổng thiệt hại toàn cầu, trong đó cộng đồng người nghèo và người bị gạt ra bên lề xã hội bị tác động lớn nhất.

Các điều kiện khí hậu ngày càng biến đổi và trở thành thảm họa khủng khiếp hơn đối với các cộng đồng này do thiếu sự phát triển bền vững và phổ quát đã tạo ra bất bình đẳng lớn nhất và không đầu tư thích hợp vào các nỗ lực giảm nguy cơ thảm họa.

Báo cáo của UNIPCC nêu rõ sự khác nhau rất lớn về mức độ dễ bị tổn thương do tác động của các sự kiện thời tiết cực đoan bắt nguồn từ sự bất bình đẳng về quyền hưởng thụ các điều kiện giáo dục, y tế cũng như về giới, độ tuổi, địa vị xã hội và các đặc thù văn hóa và xã hội khác. Phối hợp giữa các thảm họa tự nhiên và thất bại trong phát triển đã đẩy hàng chục triệu người cận nghèo trên thế giới xuống cùng khổ và càng dễ bị tổn thương hơn trước các thảm họa trong tương lai. Theo bà, vòng luẩn quẩn của đói nghèo này cần phải phá vỡ.

Tiến sỹ Heyzer nhấn mạnh biến đổi khí hậu hiện đã là thách thức toàn cầu lớn nhất trong thế kỷ 21 nhưng cũng là cơ hội lớn nhất để thúc đẩy tăng trưởng bền vững hơn và phổ quát hơn.

Các hệ thống cảnh báo sớm, kế hoạch sử dụng đất bền vững hơn, quản lý hệ sinh thái địa phương bền vững hơn, những cải thiện về y tế, cung cấp nước, vệ sinh và thủy lợi... đều là những thách thức phát triển quan trọng nhưng cũng có lợi ích song hành với các nỗ lực làm giảm nguy cơ thảm họa và thích nghi với biến đổi khí hậu.

Các nước châu Á-Thái Bình Dương có cơ hội thúc đẩy hành động chống biến đổi khí hậu thành động lực mới để tăng trưởng kinh tế. UNESCAP hỗ trợ tích cực tiến trình này và sẽ công bố lộ trình tăng trưởng "xanh" ít khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào cuối tháng Năm./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục