Hy Lạp vẫn siết chặt chi tiêu để được nhận cứu trợ

Chính phủ liên minh ba đảng của Hy Lạp đã nhất trí với mục tiêu cắt giảm chi tiêu 11,5 tỷ euro để được nhận phần cứu trợ tiếp theo.
Ngày 1/8, các đối tác trong Chính phủ liên minh ba đảng của Hy Lạp đã nhất trí trên nguyên tắc về một loạt biện pháp "thắt lưng buộc bụng" với mục tiêu cắt giảm chi tiêu 11,5 tỷ euro (13,8 tỷ USD) để được giải ngân phần cứu trợ tiếp theo trong gói cứu trợ thứ hai trị giá 130 tỷ euro mà Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã nhất trí dành cho "Xứ sở Thần thoại," nhằm cứu nước này thoát khỏi nguy cơ vỡ nợ công.

Phát biểu với báo giới sau cuộc họp giữa Thủ tướng Antonis Samaras với Chủ tịch đảng Pasok Evangelos Venizelos và Chủ tịch đảng Dân chủ cánh tả Fotis Kouvelis, Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Yannis Stournaras cho biết lãnh đạo hai đảng phái trên chấp nhận đề xuất mới của Thủ tướng về cắt giảm chi tiêu như điều kiện tiên quyết để Athen tiếp tục được ở lại Khu vực đồng euro và được nối lại đàm phán về cứu trợ vỡ nợ với EU và IMF.

Ông Stournaras cho biết thêm Athen sẽ phối hợp với EU và IMF hoàn tất các chi tiết cụ thể liên quan gói biện pháp mới vào tháng Chín tới và sẽ tìm cách để gói biện pháp này, được thực hiện trong các năm 2013 và 2014, tác động ít nhất đến các nhóm đối tượng chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ tình trạng suy thoái kinh tế hiện nay ở Hy Lạp.

Sau một loạt cuộc đàm phán với các nhà kiểm toán EU và IMF trong tuần trước, ông Samaras đã hối thúc các đối tác trong liên minh cầm quyền nhất trí với các biện pháp cắt giảm chi tiêu theo yêu cầu của các chủ nợ.

Theo ông Samaras, gói biện pháp mới là bước đi cần thiết để Hy Lạp được giải ngân phần cứu trợ trị giá 31,5 tỷ euro (39 tỷ USD) vào tháng Tán này, thời điểm Athen phải thanh toán khối lượng trái phiếu trị giá 3,2 tỷ euro đáo hạn. Trước đó, EU và IMF từng tuyên bố chỉ giải ngân số tiền trên cho Hy Lạp chừng nào các cải cách ở quốc gia này diễn ra đúng hướng.

Trong khi đó, Bộ Tài chính Hy Lạp xác nhận bất kỳ sự chậm trễ nào trong việc giải ngân phần cứu trợ tiếp theo dành cho Hy Lạp sẽ gây sức ép đối với nguồn dự trữ tiền mặt hiện nay của quốc gia này, thậm chí có thể đẩy Hy Lạp vào tình trạng vỡ nợ vào mùa Thu tới và nước này phải ra khỏi Khu vực đồng euro, một diễn biến có thể tác động xấu đến nhiều nền kinh tế ở châu Âu và toàn bộ hệ thống tài chính quốc tế.

Cũng có tin nói thỏa thuận mới giữa các đối tác trong Chính phủ Hy Lạp đặt nền tảng để EU và IMF xem xét lại các điều kiện cứu trợ "ngặt nghèo" mà Athen đã ký kết với hai tổ chức này từ năm 2010. Các chủ nợ đòi Hy Lạp thực hiện các biện pháp cắt giảm chi tiêu mới trước khi nhất trí đàm phán lại với Athen về điều kiện nhận cứu trợ, do Hy Lạp trong hai năm qua đã nhiều lần bỏ lỡ mục tiêu "thắt lưng buộc bụng" và cải cách cơ cấu.

Kết quả trên có được là nhờ sự nhượng bộ từ phía ông Venizelos và ông Kouvelis. Trước đó, hai nhà lãnh đạo này lo ngại những biện pháp cắt giảm mới có thể đẩy Hy Lạp lún sâu vào suy thoái kinh tế, đồng thời đề nghị chỉ thương lượng để các chủ nợ kéo dài thêm hai năm thời hạn Athen phải điều chỉnh về tài chính

Ông Venizelos cho biết ông miễn cưỡng nhất trí với đề xuất của Thủ tướng do lo ngại sự thiếu đồng thuận đối với kế hoạch trên có thể dẫn đến sự sụp đổ của chính phủ mới, vừa được thành lập tháng Sáu vừa qua sau hai lần tổng tuyển cử liên tiếp.

Cùng ngày, Tổng thống Mỹ Barak Obama và Tổng thống Pháp Francois Hollande đã bày tỏ lập trường ủng hộ sự tăng trưởng trong EU và sự ổn định trong Khu vực đồng euro.

Văn phòng Tổng thống Pháp cho biết hai nhà lãnh đạo coi sự tăng trưởng trong EU và sự ổn định trong Khu vực đồng euro là điều kiện cần thiết đảm bảo sự phục hồi kinh tế trên toàn cầu.

Hai nhà lãnh đạo Mỹ, Pháp thể hiện động thái mới trong bối cảnh Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) có cuộc họp quan trọng trong ngày 2/8 nhằm đưa ra biện pháp kiên quyết cho cuộc khủng hoảng nợ công đang tàn phá Khu vực đồng euro.

Tuần trước, Chủ tịch ECB Mario Draghi tuyên bố định chế này sẵn sàng làm mọi việc cần thiết để cứu Khu vực đồng euro./. 

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục