Chương trình chung phát triển du lịch 2011-2015

Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam giai đoạn 2010-2020 và tầm nhìn đến 2030 xác định du lịch là một ngành kinh tế quan trọng.
Theo thông báo của Văn phòng Chính phủ tại Công văn 7014/VPCP-KTTH, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chỉ đạo Chương trình quốc gia chung phát triển du lịch giai đoạn 2011-2015 dự kiến sẽ có ba phần chính.

Đó là nâng cấp, phát triển sản phẩm, dịch vụ du lịch, bao gồm cả việc hỗ trợ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng du lịch; xúc tiến du lịch quốc gia, bao gồm cả việc xây dựng và quảng bá thương hiệu du lịch Việt Nam; tăng cường thể chế và phát triển nhân lực du lịch Việt Nam.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, chiến lược phát triển du lịch Việt Nam giai đoạn 2010-2020 và tầm nhìn đến 2030 xác định du lịch là một ngành kinh tế quan trọng, một trong những nguồn thu ngoại tệ lớn của đất nước, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo ra nhiều việc làm cho xã hội.

Ngay trong giai đoạn 2010-2020, ngành du lịch phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng khách du lịch quốc tế từ 10-15%/năm và khách du lịch nội địa từ 15-18%/năm.

Để thu hút khách du lịch như mục tiêu đã đề ra, trong những năm tới, ngành du lịch sẽ đẩy mạnh việc xây dựng, phát triển thương hiệu và triển khai mạnh mẽ, đồng bộ, rộng rãi chương trình xúc tiến du lịch Việt Nam.

Đối với việc tăng cường hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch giai đoạn 2011-2015, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, mục tiêu là phát triển cơ sở hạ tầng các khu du lịch đồng bộ, bảo đảm các điều kiện kỹ thuật tối thiểu, góp phần tạo thuận lợi cho du khách. Đồng thời, thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào các khu du lịch, đặc biệt các địa bàn trọng điểm phát triển du lịch, khu vực vùng sâu, vùng xa nhưng có tiềm năng du lịch nhằm hình thành các khu du lịch có tầm cỡ khu vực và thế giới.

Bộ đã đề xuất hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch theo hướng tập trung ưu tiên tại một số địa bàn trọng điểm phát triển du lịch, hình thành các tour, tuyến du lịch liên hoàn giữa các vùng du lịch trọng điểm, giữa các địa phương.

Bên cạnh đó, cần tập trung đầu tư dứt điểm các công trình chuyển tiếp để phát huy hiệu quả dự án đầu tư và nghiên cứu ban hành cơ chế nhằm huy động các nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch, giảm bớt gánh nặng ngân sách nhà nước trong đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng du lịch./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục