Thủ tướng Nhật cam kết bỏ năng lượng hạt nhân

Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan cam kết một sự thay đổi "mang tính cách mạng" từ năng lượng hạt nhân sang năng lượng tái sinh.
Sau sự cố hạt nhân Fukushima, Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan ngày 29/7 cam kết một sự thay đổi "mang tính cách mạng" từ năng lượng hạt nhân sang năng lượng tái sinh.

Nội các Nhật Bản cùng ngày cũng nhất trí một kế hoạch tái thiết sau thảm họa động đất và sóng thần, theo đó dự kiến chi phí cho công tác tái thiết sẽ cần ít nhất 23.000 tỷ yen (hơn 300 tỷ USD) trong vòng 5 năm tới.

Phát biểu trước nội các, Thủ tướng Kan cho biết ông sẽ dành thời gian còn lại của nhiệm kỳ cho một chiến lược năng lượng mới, "mang tính cách mạng trong trung hạn, hướng tới một xã hội từng bước giảm sự phụ thuộc vào năng lượng hạt nhân nhằm cải thiện mức độ an toàn." Theo ông, chính phủ đã quyết định bắt đầu đánh giá triệt để về chính sách năng lượng hạt nhân và vạch ra một lộ trình giảm sự phụ thuộc vào loại năng lượng này.

Trước đó cùng ngày, Bộ trưởng Chính sách Quốc gia Nhật Bản Koichiro Gemba cho biết chính phủ sẽ cần một năm để soạn thảo một "lộ trình" mới về chính sách năng lượng và quá trình này sẽ đòi hỏi sự tham gia thảo luận rộng rãi của cả nước. Theo ông Gemba, lộ trình tương lai sẽ đặt ra một loạt mục tiêu trước mắt là đảm bảo nguồn cung năng lượng ổn định trong bối cảnh thiếu năng lượng sau các thảm họa thiên nhiên kinh hoàng hồi tháng Ba.

Các mục tiêu trung hạn cho tới năm 2020 sẽ bao gồm các hệ thống năng lượng phi tập trung, giảm sử dụng năng lượng hạt nhân. Mục tiêu dài hạn cho năm 2050 là sử dụng các công nghệ mới kết hợp tốt nhất các loại năng lượng.

Theo ông Gemba, chính phủ sẽ khuyến khích đầu tư tư nhân vào năng lượng tái sinh, đồng thời khuyến khích tiết kiệm và sử dụng hiệu quả năng lượng. Ngoài ra, chính phủ sẽ lập ra một ban đánh giá tổng chi phí của năng lượng hạt nhân, tính đến cả tiền đền bù thiệt hại như thanh toán cho những người phải sơ tán và các nạn nhân của sự cố nhà máy điện Fukushima số 1.

Trước ngày 11/3 kinh hoàng vừa qua, khoảng 30% nhu cầu năng lượng của Nhật Bản phụ thuộc vào nguồn năng lượng hạt nhân và dự kiến con số này tăng lên mức 50% vào năm 2030. Tuy nhiên, sau các sự cố hạt nhân, Thủ tướng Naoto Kan đã kêu gọi xem lại kế hoạch này.

Đã hơn bốn tháng sau các thảm họa thiên nhiên dẫn tới sự cố hạt nhân, hiện chỉ có 16 trên tổng số 54 lò phản ứng của Nhật Bản đang hoạt động. Hầu hết các nhà máy điện hạt nhân đã phải đóng cửa để kiểm tra độ an toàn, nhiều nhà máy khác sẽ phải ngừng hoạt động để kiểm tra định kỳ và bảo dưỡng trong những tháng tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục