UNCLOS chi phối việc sử dụng, khai thác đại dương

Liên hợp quốc khẳng định lại tầm quan trọng của công ước UNCLOS trong vai trò chi phối việc sử dụng biển và đại dương trên thế giới.
Theo phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc, ngày 14/3, nhân kỷ niệm lần thứ 30 ngày mở sổ ký Công ước Liên hợp quốc về luật biển (UNCLOS), Liên hợp quốc đã khẳng định lại tầm quan trọng thiết yếu không thể thay thế của công ước này trong vai trò chi phối việc sử dụng biển và đại dương, cũng như khai thác các nguồn tài nguyên trên đại dương.

Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc về các vấn đề pháp lý đồng thời là Cố vấn luật pháp của Liên hợp quốc, bà Patricia O’Brien, cho biết UNCLOS đã có hiệu lực quốc tế vào ngày 16/11/1994 sau khi được 60 nước phê chuẩn.

Bà nhấn mạnh UNCLOS chi phối tất cả các khía cạnh của không gian biển và đại dương, từ phân định đường biên giới trên biển, các quy chế môi trường, nghiên cứu khoa học, thương mại đến giải quyết những tranh chấp quốc tế liên quan đến biển và đại dương, quy định chế độ bình đẳng và trật tự chi phối tất cả việc sử dụng biển và đại dương trên toàn cầu. UNCLOS bắt đầu từ tiền đề rằng các vấn đề không gian đại dương có liên quan hữu cơ với nhau và vì vậy, cần được xem xét trong một tổng thể chung.

Tuy nhiên, bà Patricia O’Brien nhấn mạnh cũng như một câu lạc bộ, các nước cần gia nhập để chia sẻ đầy đủ các lợi ích của nó, UNCLOS và các hiệp ước khác về đại dương chỉ mang lại các quyền cho các nước tham gia và chấp nhận những nghĩa vụ ghi trong các văn kiện này.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc vừa gửi thư cho 34 nước chưa phê chuẩn Công ước, trong đó kêu gọi các nước này nhanh chóng phê chuẩn để tham gia Công ước. 162 nước tham gia UNCLOS có nghĩa vụ bảo vệ và duy trì môi trường biển và đại dương, cùng hợp tác khu vực và quốc tế để thực hiện những quy chế và tiêu chuẩn liên quan đến việc sử dụng các biển và đại dương của thế giới.

Các nước tham gia Công ước có quyền hàng hải, hàng không, nghiên cứu khoa học và đánh cá ở ngoài khu vực lãnh hải 200 hải lý kể từ bờ biển, nhưng cũng có nghĩa vụ hợp tác với các nước khác thực hiện những biện pháp quản lý các nguồn tài nguyên sống của đại dương. Công ước thừa nhận các nước ven biển có quyền tài phán và quyền khai thác, phát triển, quản lý và bảo tồn tất cả các nguồn tài nguyên trong vùng nước, đáy biển và trong khu vực đặc quyền kinh tế 200 hải lý này.

Ủy ban Hải dương (IOC) của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đóng vai trò bảo vệ các đại dương trong quá trình chuẩn bị cho Hội nghị cấp cao Liên hợp quốc về phát triển bền vững (Rio+20). IOC khẳng định quản lý các đại dương theo phương thức hiện hành không phải là sự lựa chọn tốt nhất, vì vậy, IOC khuyến khích các nước hòa nhập đến mức cao nhất vai trò quan trọng của đại dương trong các chiến lược phát triển bền vững.

Tuyên bố Manila của Liên hợp quốc thúc đẩy các nước tăng cường nỗ lực bảo vệ các đại dương khỏi bị xâm hại do những hoạt động của con người từ đất liền, đồng thời nhấn mạnh vai trò trung tâm của các đại dương trong thời kỳ chuyển tiếp từ nền kinh tế đương đại sang nền kinh tế xanh.

Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) nêu rõ 6 lĩnh vực kinh tế biển và đại dương cần thúc đẩy trong thời kỳ chuyển tiếp này bao gồm đánh bắt và nuôi trồng các nguồn hải sản; vận tải hàng hải; ô nhiễm dinh dưỡng các đại dương; năng lượng tái sinh có nguồn gốc từ đại dương; du lịch ven biển và các khoáng sản ở vùng biển sâu./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục