Hãng Perodua từ chối sáp nhập với đối thủ Proton

Hãng Perodua bác bỏ đề nghị của chính phủ yêu cầu sáp nhập với đối thủ trong nước, hãng chế tạo ôtô Proton do nhà nước kiểm soát.
Hãng chế tạo ôtô lớn nhất Malaysia Perodua cho biết lượng xe bán ra của hãng trong năm nay sẽ tăng 3,4% nhờ một mẫu xe mới sẽ được xuất xưởng vào cuối năm.

Hãng Perodua cũng bác bỏ đề nghị của chính phủ yêu cầu sáp nhập với đối thủ trong nước, hãng chế tạo ôtô quốc gia Proton do nhà nước kiểm soát.

Giám đốc điều hành Aminar Rashid Salleh cho biết lượng xe bán ra trong tháng Tư đã giảm do Perodua buộc phải giảm 11% sản lượng trong quý 2 vì không nhập được động cơ và phụ tùng sau khi các nhà máy chuyên cung cấp các mặt hàng này của Nhật Bản bị hư hại do động đất. Tuy nhiên, việc cung cấp phụ tùng sẽ trở lại bình thường sớm hơn dự đoán vào tháng Bảy tới vì các nhà cung cấp thu gom được từ các thị trường khác.

Theo kế hoạch, Perodua, sẽ cho ra mắt mẫu xe mới vào trước cuối tháng Chín nhằm tăng lượng xe bán ra để giúp hãng chế tạo ôtô này giành lại vị trí dẫn đầu thị trường. Năm ngoái, Perodua đã bán ra thị trường 188.600 xe, chiếm 31 thị phần nhưng tới quý 1 năm nay, con số này giảm xuống chỉ còn 29%. Mẫu xe mới mà Perodua dự định cho xuất xưởng sẽ thay thế mẫu Myvi, bán chạy nhất của hãng, được chế tạo năm 2005.

Perodua và Daihatsu còn có kế hoạch đầu tư 84 triệu USD cùng xây dựng một nhà máy ở Malaysia để sản xuất các bộ phận truyền dẫn điện tự động phục vụ thị trường trong nước cũng như để xuất khẩu. Tiến trình xây dựng sẽ được bắt đầu vào quý 4 năm nay và sản phẩm mới sẽ được xuất xưởng một năm sau đó.

Chính phủ đã đề nghị Perodua sáp nhập với Proton để tăng cường thúc đẩy khu vực chế tạo ôtô, bởi cả hai hãng chế tạo ôtô này chiếm tới 60% thị phần xe khách của Đông Nam Á. Tuy nhiên, Perodua cho biết họ chỉ tăng cường liên kết với Proton về mặt kỹ thuật chứ kiên quyết không sáp nhập. Hiện Perodua đang cung cấp một số phụ tùng cho Proton và hai hãng có thể cùng xem xét mua nguyên liệu thô để sản xuất nhằm cắt giảm chi phí.

Vận may của Proton ngày càng giảm do cạnh tranh ngày càng gay gắt nên họ không thể tìm được đối tác nước ngoài, phần nào cũng do chính phủ không chịu từ bỏ quyền kiểm soát hãng chế tạo ôtô quốc gia này. Trái lại, Perodua, trở thành hãng chế tạo xe hơi quốc gia thứ hai vào năm 1993, sau Proton cả một thập kỷ, giờ đây lại làm ăn phát đạt vì họ có quan hệ vững mạnh với Daihatsu, một nhà đầu tư chiếm tới 51% cổ phần của Perodua./.

Thanh Thủy/Kuala Lumpur (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục