LHQ cảnh báo tình trạng tăng dân số, thiếu nước

LHQ cảnh báo, dân số gia tăng và tình trạng khan hiếm nước đang đẩy thế giới đến trước nguy cơ khủng hoảng lương thực và môi trường.
Dân số gia tăng và tình trạng khan hiếm nước đang đẩy thế giới đến trước nguy cơ khủng hoảng lương thực và môi trường, mà chỉ có thể thoát ra được nếu áp dụng các phương pháp kỹ thuật nông nghiệp hiệu quả hơn và cách sử dụng hệ sinh thái thông minh hơn.

Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) và Viện quản lý nước quốc tế (IWMI) đưa ra cảnh báo này trong báo cáo nhan đề "Đường hướng dịch vụ hệ sinh thái tiến tới an ninh nước và lương thực" khi bắt đầu phát động Tuần lễ Nước Thế giới (22-28/8) ở Stockholm, Thụy Điển.

Báo cáo cho biết dân số thế giới dự kiến sẽ tăng từ 7 tỷ người trong năm 2011 lên ít nhất 9 tỷ trong năm 2050, làm gia tăng nhu cầu về nước và làm trầm trọng hơn tình trạng Trái Đất nóng dần lên do biến đổi khí hậu. Khoảng 1,6 tỷ người đang sống ở những vùng khan hiếm nước, nhưng con số này sẽ nhanh chóng lên tới 2 tỷ nếu thế giới tiếp tục cách thức sử dụng nước như hiện nay.

Báo cáo nhấn mạnh với tốc độ sử dụng nước cho nông nghiệp, đô thị hóa và sản xuất thực phẩm, lượng nước sử dụng trong nông nghiệp sẽ tăng từ 70-90% so với mức 7.130 km3 hiện nay để nuôi sống số dân 9 tỷ người vào năm 2050. Trong khi đó, các vùng sản xuất lương thực chính đều đang phá vỡ "ngưỡng" sử dụng nước, bao gồm các vùng đồng bằng ở miền Bắc Trung Quốc, ở Punjab (Ấn Độ) và ở Mỹ.

Theo báo cáo, biến đổi khí hậu sẽ làm gia tăng tình trạng khan hiếm nước do nó làm thay đổi lượng mưa và tần suất các trận mưa, tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất nông nghiệp. Chỉ riêng ở châu Phi, sản lượng nông nghiệp có thể giảm từ 15-30% vào cuối thế kỷ này.

Việc áp dụng các phương pháp kỹ thuật nông nghiệp nhằm nâng cao sản lượng và mở rộng diện tích canh tác sẽ dẫn đến thảm họa khó tránh khỏi là làm suy thoái hoặc phá hủy hoàn toàn nguồn nước sạch trên Trái Đất và hệ sinh thái ven biển, các yếu tố giữ vai trò quan trọng đảm bảo sự sống.

Báo cáo kêu gọi đổi mới để cải thiện năng suất và xóa đói nghèo, nhưng hạn chế phá hủy môi trường; đồng thời đưa ra các ý tưởng như huấn luyện tốt hơn cho nông dân, đặc biệt về các sáng kiến thân thiện với môi trường như trồng vành đai cây quanh các cánh đồng. Báo cáo cũng kêu gọi quản lý tốt hơn nguồn nước, bằng cách cân bằng nhu cầu của người sử dụng nước và môi trường./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục