Chứng khoán châu Á tiếp tục bị sụt giảm mạnh

Chứng khoán châu Á giảm mạnh nhất trong 10 tuần sau khi Ủy ban hối đoái và chứng khoán cáo buộc về sự gian lận của Goldman Sach.
Trong phiên giao dịch ngày 19/4, chứng khoán châu Á có mức sụt giảm mạnh nhất trong 10 tuần, sau khi Ủy ban hối đoái và chứng khoán đưa ra cáo buộc về sự gian lận của Goldman Sachs và Trung Quốc tăng cường kiểm soát hoạt động đầu cơ trong lĩnh vực bất động sản, dẫn tới hoạt động chốt lời sau khi các thị trường đạt mức cao trong nhiều tháng.

Chỉ số MSCI của chứng khoán khu vực (trừ Nhật Bản) giảm 2,1%, mức giảm theo ngày lớn nhất kể từ ngày 5/2 và lùi xa mức cao trong 22 tháng đạt được trong ngày 15/4.

Hầu hết các thị trường chính của khu vực giảm 2% hoặc hơn, khi hoạt động chốt lời diễn ra đối với cổ phiếu của nhiều ngành công nghiệp.

Giá dầu giảm và đồng USD tăng giá so với yen và euro là những dấu hiệu cho thấy các nhà giao dịch đang hạn chế mua vào các tài sản rủi ro.

Chỉ số Nikkei-225 của Nhật Bản giảm 1,8%, xuống 10.900,567 điểm, sau khi vượt mức trung bình trong 25 ngày.

Cổ phiếu của ngân hàng hàng đầu nước này Mitsubishi UFJ Financial Group giảm 3,1%, trong khi của Mizuho Financial Group mất 2,7%.

Chỉ số Kospi của Hàn Quốc giảm 29,19 điểm, hay 1,6%, xuống 1.705,3 điểm.

Chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải giảm 150,01 điểm, hay 4,79%, xuống 2.980,3 điểm.

Chỉ số Hang Seng của Hongkong giảm 460,09 điểm, hay 2,1%, xuống 21.405,17 điểm. Chỉ số Weighted của Đài Loan giảm 257,35 điểm, hay 3,17%, xuống 7.854,22 điểm.

Cuối tuần trước, phố Wall sụt giảm sau khi Ủy ban hối đoái và chứng khoán nói Goldman Sachs & Co. đã lừa gạt các nhà đầu tư khi không công bố những thông tin quan trọng về các sản phẩm thế chấp mà ngân hàng này đã bán khi thị trường nhà ở sụp đổ năm 2008.

Thông tin này đã dẫn tới dự đoán Goldman và các ngân hàng lớn khác có thể đối mặt với sự truy tố, do liên quan tới các thỏa thuận đã góp phần làm nổ ra cuộc khủng hoảng. Những thỏa thuận này đã giúp các ngân hàng có được lợi nhuận khổng lồ trong năm ngoái.

Cáo buộc gian lận đối với Goldman đã tác động đến cổ phiếu của các ngân hàng tại châu Á, mặc dù các ngân hàng của khu vực không bị vướng vào hoạt động cho vay thế chấp dưới chuẩn như các ngân hàng Mỹ.

Cổ phiếu của các tập đoàn tài chính đang chịu sức ép bán ra tại châu Á, trong đó các ngân hàng Nhật Bản chịu thiệt hại nặng nề nhất. Cổ phiếu của Sumitomo Mitsui Financial Group Inc. mất 4,4%, còn Mitsubishi UFJ Financial Group Inc. mất 3,3%.

Trong khi đó, cổ phiếu của HSBC giảm 2,1% tại Hongkong.

Tại Trung Quốc, niềm tin của các nhà đầu tư suy giảm trước thông tin chính phủ nước này yêu cầu các ngân hàng ở một số thành phố dừng cung cấp các khoản vay cho việc mua ngôi nhà thứ ba, động thái mới nhất nhằm ngăn chặn nạn đầu cơ, điều có thể dẫn tới bong bóng bất động sản.

Cổ phiếu của các nhà phát triển bất động sản đã sụt giảm giảm mạnh nhất trước thông tin này. Cổ phiếu của China Vanke, chủ thầu nhà ở lớn thứ hai Trung Quốc, giảm 6%, trong khi của Minsheng Bank, với lượng giao dịch lớn nhất tại Sở giao dịch chứng khoán Thượng Hải, giảm 5,1%.

Tuy nhiên, theo các nhà giao dịch, đà giảm sẽ bị khống chế trong ngắn hạn, nhờ sự phục hồi hoàn toàn của kinh tế Trung Quốc và chỉ số Shanghai Composite sẽ duy trì ở mức 3.000 điểm.

Đà giảm trên thị trường chứng khoán diễn ra đồng thời với sự sụt giảm của giá hàng hóa, trong khi các tài sản ít rủi ro hơn như trái phiếu chính phủ, đồng yên, đồng USD đều tăng giá.

Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng sự sụt giảm của các thị trường chứng khoán châu Á chỉ là tạm thời, vì hoạt động chốt lời là điều dễ hiểu sau đà phục hồi gần đây trên các thị trường.

Theo người phụ trách chứng khoán châu Á ở ING Asset Management tại Hongkong, Bratin Sanyal, việc đi xuống sau khi tăng quá mạnh là một sự điều chỉnh bình thường. Chứng khoán khu vực có thể có biến động khi các nhà đầu tư chờ đợi các công ty báo cáo doanh thu.

Mùa báo cáo doanh thu ở Nhật Bản sẽ bước vào cao điểm trong tuần tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục