Tuần hành, bạo lực nổ ra ở nhiều thành phố Syria

Trong ngày 9/12 ở một số thành phố tại Syria, các cuộc biểu tình lớn của cả hai phe ủng hộ và phản đối chính quyền Syria đã nổ ra.
Theo Tân Hoa Xã, các cuộc tuần hành quy mô lớn đã diễn ra trong ngày 9/12 ở một số thành phố tại Syria để ủng hộ Tổng thống đang chịu nhiều sức ép quốc tế Bashar al-Assad, cùng với đó là các cuộc biểu tình phản đối chính quyền của phe đối lập.

Phe đối lập cũng kêu gọi người dân Syria tiến hành một cuộc tổng đình công vào ngày 11/12.

Truyền thông Syria đưa tin hàng nghìn người đã xuống đường ở các thành phố, trong đó có thủ đô Damascus, bày tỏ sự giận dữ trước những sức ép quốc tế đang muốn "làm trầm trọng thêm tình hình" tại Syria.

Đài truyền hình quốc gia phát hình ảnh tuần hành ủng hộ ông Assad ở khu vực ngoại ô Wadi an-Dahab của thành phố đang là điểm nóng Homs.

Các đài khác lại đưa hình ảnh biểu tình chống chính quyền ở một quận khác của thành phố này.

Lực lượng đối lập cũng biểu tình ở một số thành phố khác, kêu gọi tổng đình công, mặc dù một số lời kêu gọi như vậy trước đây đã không được hưởng ứng, nhất là ở hai trung tâm kinh tế Damascus và Aleppo, những nơi vẫn tương đối yên ổn.

Bạo lực vẫn tiếp diễn tại Syria, song thông tin về thương vong không thống nhất. Hãng thông tấn quốc gia SANA cho biết có ba người thiệt mạng trong ngày 9/12 và 13 nhân viên thực thi pháp luật bị thương trong các cuộc tấn công của những "nhóm vũ trang" tại thành phố Homs, tỉnh miền Nam Daraa và tỉnh miền Bắc Idlib.

Trong khi đó, kênh truyền hình al-Jazeera (trụ sở tại Doha) lại dẫn nguồn tin từ các nhà hoạt động nói rằng có tới 32 người thiệt mạng do các lực lượng an ninh Syria nổ súng, trong đó 13 nạn nhân là ở điểm nóng Homs. Homs là thành phố lớn thứ ba ở Syria, có khoảng 1,6 triệu dân và đã chứng kiến nhiều cuộc đụng độ giữa quân đội trung thành với Tổng thống Assad và các nhóm vũ trang được cho là bao gồm những phần tử đào ngũ khỏi quân đội.

Ngày 9/12, Mỹ bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình trạng bạo lực ở Homs, đặc biệt là khi có thông tin nói rằng chính quyền Syria dường như đang chuẩn bị cho một cuộc trấn áp diện rộng tại đây. Còn từ London, Anh kêu gọi chính quyền Syria cần ngay lập tức rút quân đội khỏi Homs, ngừng việc trấn áp phe đối lập.

[Syria đóng một cửa khẩu biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ]

Cùng ngày, Thổ Nhĩ Kỳ cảnh báo Syria rằng Ankara sẽ hành động để "tự bảo vệ" trong trường hợp việc trấn áp phe đối lập của Đamát trở thành mối đe dọa cho an ninh khu vực, tạo ra làn sóng tị nạn ở biên giới chung. Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu không nói rõ nước này sẽ hành động thế nào, nhưng khẳng định Ankara sẽ không do dự trong việc bảo vệ an ninh khu vực khỏi sự lộn xộn từ Syria. Thổ Nhĩ Kỳ và Syria có một biên giới chung dài 900km.

Trong một diễn biến khác, ngày 9/12, Hội đồng bảo an Liên hợp quốc đã nhất trí với đề nghị của Pháp về một cuộc họp để nghe người đứng đầu Cao ủy Liên hợp quốc về nhân quyền, bà Navi Pillay thông báo về tình hình ở Syria.

Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc, Vitaly Churkin, Chủ tịch luân phiên tháng này của Hội đồng Bảo an, xác nhận cuộc họp kín trên nhiều khả năng sẽ diễn ra trong ngày 11/12. Có nhiều thông tin Nga phản đối cuộc họp này và ông Churkin cũng nhấn mạnh, theo Mátxcơva, Hội đồng Bảo an đang "lấn sân" vào các công việc của Ủy ban nhân quyền Liên hợp quốc.

[BRICS phản đối sự can thiệp bên ngoài vào Syria]

Nga, Trung Quốc, Brazil, Ấn Độ và Nam Phi (những nước phản đối Hội đồng Bảo an hành động với vấn đề Syria) đã cho rằng những chỉ trích về nhân quyền bị xâm phạm ở Syria cần được giải quyết ở Ủy ban nhân quyền Liên hợp quốc, chứ không phải tại Hội đồng Bảo an. Trong khi đó, Pháp, Anh, Đức và Mỹ đang thúc đẩy đưa vấn đề Syria trở lại Hội đồng Bảo an. Tháng trước, Nga và Trung Quốc đã phủ quyết một dự thảo nghị quyết do châu Âu soạn thảo, theo đó lên án Damascus trấn áp người biểu tình ủng hộ dân chủ, đồng thời đe dọa áp đặt lệnh trừng phạt./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục