6 người Việt Nam sẽ du hành đến Nam Cực

Đoàn Việt Nam sẽ lên tàu Clipper Adventurer tới Nam Cực ngày 18/11 nhằm kêu gọi hành động khẩn cấp giảm thiểu biến đổi khí hậu.
Tổ chức 2041, đơn vị phát động cuộc tuyển chọn thành viên ở Việt Nam tham gia Chuyến thám hiểm Hiệp ước Quốc tế về Nam Cực (IATE) 2009, đã công bố 6 thành viên của Việt Nam tham gia chuyến đi này.

Chị Hoàng Thị Minh Hồng, người Việt Nam đầu tiên đặt chân tới Nam Cực năm 1997, trưởng đoàn Việt Nam lần này nói, đoàn có 5 nữ và 1 nam. Chuyến thám hiểm lần này có mục tiêu kêu gọi các hành động khẩn cấp nhằm giảm thiểu biến đổi khí hậu.

Để tham gia đoàn du hành, các thành viên đã vượt qua hơn 50 hồ sơ đăng ký với tổ chức 2041.

Chuyến thám hiểm IATE được tổ chức nhằm kỷ niệm 50 năm ngày ký kết Hiệp ước Quốc tế về Nam Cực (1/12/1959), khuyến khích các quốc gia tôn trọng Hiệp ước và tiếp tục bảo vệ Nam Cực như một nơi dành riêng cho khoa học và hòa bình trong những năm tiếp theo.

Theo lộ trình, đoàn Việt Nam sẽ lên đường ngày 14/11 tới Ushuaia (Achentina) để tập trung và huấn luyện. Sau đó, ngày 18/11 sẽ lên con tàu Clipper Adventurer tới Nam Cực cùng các thành viên ở 17 quốc gia khác nhau.

Các thành viên của IATE 2009 sẽ thám hiểm Bán đảo Nam Cực, tìm hiểu về tầm quan trọng của Hiệp ước Nam Cực, tham gia chương trình tập huấn về bền vững và phát triển kỹ năng lãnh đạo. Họ cũng sẽ thảo luận và đưa ra một số kế hoạch hành động mang tính thực tế sẽ thực hiện khi quay về nước nhằm nâng cao nhận thức, và quảng bá cho việc sử dụng năng lượng tái tạo.

Khi trở về nước, họ sẽ trở thành các đại sứ bảo vệ Nam Cực vì lợi ích của toàn nhân loại, bởi vì các hậu quả của việc biến đổi khí hậu như tình trạng nước biển dâng do trái đất nóng lên, sẽ đe dọa cuộc sống của tất cả mọi người.

Một trong những thử thách lớn nhất đối với các ứng viên Việt Nam là họ phải tự tìm nhà tài trợ để chi trả các chi phí của chuyến thám hiểm. Nhờ có sự hỗ trợ của một nhà tài trợ 2041, đoàn Việt Nam đã được tài trợ 50% chi phí. Và, các ứng viên phải tự đi gây quỹ cho số tiền còn lại là 10.000 USD cộng với vé máy bay và trang thiết bị./.
Các thành viên trong đoàn Việt Nam gồm:

1. Hoàng Thị Minh Hồng, Trưởng đoàn: người Việt Nam đầu tiên đặt chân và cắm quốc kỳ tại Nam Cực. Chị đã cống hiến hơn 12 năm qua cho rất nhiều chương trình nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường.

Minh Hồng trở thành Đặc phái viên Trẻ của UNESCO sau chuyến thám hiểm Nam Cực năm 1997. Cũng trong năm đó, chị nhận được Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ về thành tích cắm quốc kỳ tại Nam Cực. Năm 2002, chị được lựa chọn đại diện cho Việt Nam tham gia Đoàn đại biểu của Mission Antarctica (Nhiệm vụ Nam Cực) tới tham dự Hội nghị Thượng đỉnh về Phát triển Bền vững tại Johannesburg.

2. Nguyễn Lan Anh: Cây viết kinh tế của báo Sài Gòn Tiếp Thị và tạp chí Forbes Asia tại khu vực Đông Nam Á.

3. Nguyễn Thị Thu Thủy, Giám đốc Điều hành, Trường quốc tế Úc Sài Gòn (AIS): Chị từng xây dựng và thực hiện thành công một chương trình giáo dục môi trường mang tên “Tái chế và Môi trường” và hiện vẫn đang được tiếp tục thực hiện. Chương trình này đã giành Giải Nhất của Ngân hàng Thế giới năm 2005, và Giải thưởng của Bộ Tài nguyên và Môi trường năm 2006.

4. Tiến sỹ Lê Tuấn, Chủ tịch, Công ty VC Invest (Công ty Tư vấn và Đầu tư Mạo hiểm).

5. Nguyễn Thị Phương Ngân, cán bộ giáo dục môi trường của WWF Việt Nam.

6. Thạc sỹ Nguyễn Phương Anh: Tham gia đoàn thám hiểm năm nay để được chứng kiến sự ảnh hưởng của việc biến đổi khí hậu lên môi trường.
Trung Hiền (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục