“Việt Nam đặt con người ở trung tâm mọi chính sách”

Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc khẳng định Nhà nước Việt Nam luôn đặt con người ở vị trí trung tâm của mọi chính sách, coi con người là động lực và mục tiêu phát triển đất nước.
Ủy ban về các vấn đề văn hóa, xã hội và nhân đạo của Liên hợp quốc (Ủy ban 3) vừa tiến hành phiên thảo luận rộng về đề mục “Thúc đẩy và bảo vệ quyền con người” tại trụ sở của tổ chức này ở thành phố New York với sự tham dự của đông đảo các đại diện đến từ 193 quốc gia thành viên.

Đại sứ Lê Hoài Trung, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc đã tham dự và có bài phát biểu quan trọng, được các đại biểu rất quan tâm, chú ý.

Trong quá trình thảo luận, các đại biểu đã nhấn mạnh quyền con người có tính phổ quát và phụ thuộc lẫn nhau; các quyền kinh tế, văn hóa và xã hội là bình đẳng với các quyền dân sự và chính trị; và các mối liên hệ này phải được duy trì và đảm bảo.

Đại diện nhiều nước cũng cho rằng để thúc đẩy quyền con người một cách toàn diện, cần có sự hợp tác trên nhiều vấn đề như quản lý tài chính, di cư, an ninh lương thực, biến đổi khí hậu, thương mại… ở cấp quốc gia, song phương, khu vực và quốc tế; đồng thời các nước cũng chia sẻ những kinh nghiệm của mình để cân bằng các quyền tự do cơ bản, khuyến khích các nước thực thi các điều ước quốc tế và tham gia vào Cơ chế kiểm điểm định kỳ.

Phát biểu thay mặt Chính phủ Việt Nam, Đại sứ Lê Hoài Trung đã ghi nhận những tiến bộ đạt được thời gian qua trong lĩnh vực thúc đẩy quyền con người trên thế giới, đồng thời bày tỏ quan ngại về tác động tiêu cực của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, khủng hoảng lương thực đối với việc thực hiện các quyền có việc làm, quyền phát triển, quyền y tế, giáo dục…, cũng như quan ngại về xu hướng lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí để phỉ báng tôn giáo, kích động hận thù giữa các tôn giáo, và nhấn mạnh quyền phải đi đôi với nghĩa vụ.

Đại sứ khẳng định Nhà nước Việt Nam luôn đặt con người ở vị trí trung tâm của mọi chính sách, coi con người là động lực và mục tiêu của quá trình phát triển đất nước.

Điều này dựa trên lịch sử đấu tranh giành độc lập và quá trình đổi mới của Việt Nam, cũng như truyền thống nhân đạo của một quốc gia đa tôn giáo, đa dân tộc và là nơi giao thoa của nhiều nền văn hóa do đó luôn cởi mở với những tinh hoa của các nền văn hóa khác nhau.

Đại sứ cũng nêu bật chính sách và thành tựu của Việt Nam trong việc đảm bảo các quyền kinh tế, văn hóa, xã hội, dân sự và chính trị, trong đó đặc biệt nhấn mạnh về các quyền bầu cử, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tôn giáo và tín ngưỡng, quá trình cải cách pháp luật..../.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục