Ngành da giầy Việt chưa có nhiều thương hiệu lớn

Khi nói đến da-giầy, người tiêu dùng thường nghĩ ngay đến sản phẩm ngoại còn VN chưa có nhiều thương hiệu lớn, tạo ra sản phẩm giá trị.
Trong khuôn khổ dự án “IN_TRADE: Đổi mới và Thương hiệu - Công cụ cạnh tranh thành công trên thị trường toàn cầu” thuộc dự án Mutrap III được tài trợ bởi Ủy ban châu Âu, Hiệp hội Da-Giầy Việt Nam (Lefaso) phối hợp với các đối tác Bỉ, Italy tổ chức hội thảo “Phát triển xây dựng thương hiệu, nâng cao năng lực cạnh tranh” ngày 20/7, tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Hội thảo còn có sự tham gia của đại diện đến từ Phòng Thương mại các nước tại Việt Nam.

Ông Diệp Thành Kiệt, Phó chủ tịch Lefaso nhận định, ngành da-giầy Việt Nam đứng thứ 3 về sản xuất, thứ 4 về xuất khẩu so với các nước trên thế giới. Trong 6 tháng đầu năm nay, xuất khẩu của ngành đạt khoảng 3 tỷ USD, tăng trưởng trên 30%.

Tuy nhiên, khi nói đến ngành da-giầy, người tiêu dùng thường nghĩ ngay đến sản phẩm từ Italy, Hong Kong, Trung Quốc… còn Việt Nam chưa có nhiều thương hiệu lớn, tạo ra được những sản phẩm có giá trị cao.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp chưa nhận thức đúng giá trị của việc xây dựng thương hiệu, mới chỉ dừng ở việc đăng ký nhãn hiệu, trong khi thị trường nội địa đang bị các doanh nghiệp nước ngoài với những thương hiệu nổi tiếng chiếm lĩnh thị trường.

Theo các doanh nghiệp ngành da-giầy cho biết, khó khăn trong việc xây dựng thương hiệu là kinh phí đầu tư phát triển đội ngũ thiết kế, sáng tạo ra những sản phẩm có giá trị cao. Hiện đội ngũ thiết kế tại các doanh nghiệp chưa có điều kiện phát triển khả năng sáng tạo nên chỉ dừng lại ở việc lưu giữ và nhân mẫu sản phẩm.

Một số thương hiệu có thể kể đến tại Việt Nam như Bitis’s, Vina Giày, Thượng Đình, An Lạc, Đông Phương… nhưng chỉ ở dòng sản phẩm trung cấp và thứ cấp.

Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp ngành da-giầy phát triển thương hiệu có chiến lược và góp phần hoàn thành mục tiêu vào năm 2020 tăng cường xuất khẩu và chiếm lĩnh 80% thị trường nội địa, Lefaso đã chủ động hợp tác cùng các đối tác Italy, Bỉ nâng cao năng lực hiệp hội ngành hàng, kiến thức thương mại quốc tế; doanh nghiệp được chuyển giao công nghệ và kỹ thuật từ Italy, các chuyên gia tư vấn nước ngoài sẽ tổ chức lớp tập huấn tăng cường chuỗi giá trị ngay tại từng doanh nghiệp; trong đó, mục tiêu quan trọng ở giai đoạn 2 của dự án là hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới nội dung thiết kế thời trang da-giầy, cải tiến mẫu mã sản phẩm và chiến lược phát triển thương hiệu.

Nhân hội thảo này, các doanh nghiệp ngành da-giầy trong và ngoài nước cũng đã có buổi đối thoại, gặp gỡ song phương để trao đổi thông tin, tìm kiếm đối tác./.

Mỹ Phương (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục