Tranh nửa triệu USD còn xa vời với họa sĩ Việt

Tại Hội chợ triển lãm nghệ thuật đương đại Đông Nam Á , một tác phẩm hội họa đương đại Việt Nam được đề giá 600.000 đôla Singapore.
Cách đây chưa lâu, báo Thể thao&Văn hóa cuối tuần, trong chuyên đề "Tranh Việt Nam và thị trường đấu giá" có nói đến bức tranh lụa "Hoài cố hương" của cố danh họa Lê Phổ được nhà đấu giá Sotheby's bán tại Singapore với giá hơn 300.000 USD. Đây là tác phẩm hội họa Việt Nam đắt giá nhất hiện nay tại một phiên đấu giá nghệ thuật.

Nhưng mới đây, cũng tại Singapore (Hội chợ triển lãm nghệ thuật đương đại Đông Nam Á - The Contempoary Asian Art Fair, 9-12/10), một tác phẩm hội họa đương đại Việt Nam được đề giá cao hơn nhiều - 600.000 đôla Singapore, tương đương 425.000 USD - được xem là tác phẩm đặt giá cao nhất tại hội chợ.

Một tác phẩm khác của họa sĩ Lê Kinh Tài đã từng bán cho gallery với giá 11.000 USD, tại hội chợ đã được khách trả giá tới 60.000 USD mà gallery vẫn chưa chịu bán!

Những thông tin nở mày nở mặt như thế trong thời buổi thị trường khủng hoảng hiện nay đã khiến Hội chợ nghệ thuật Singapore trở thành "miền đất hứa" của giới họa sĩ Việt.

Đây cũng là lần đầu tiên Nguyễn Kim Hoàng - nghệ danh Hoàng Himiko, nghệ sĩ tự do với quán càphê nghệ thuật Himiko, hăm hở bỏ tiền túi sang Singapore "thăm dò" hội chợ. Một họa sĩ thường gây sốc bằng các tác phẩm của mình, lần này bị "sốc" với những gì chị tận mắt chứng kiến dưới góc độ một khách tham quan.

Phóng viên báo Thể thao& Văn hoá cuối tuần đã có cuộc trao đổi ngắn với chị nhân chuyến đi này.

Tiết kiệm từng tí để đắp vô quán Himiko, vậy mà nghe rủ rê hấp dẫn thế nào chị dám bỏ tới 500 USD để sang Singapore xem hội chợ nghệ thuật?

Nguyễn Kim Hoàng: Hơn nửa năm trước có anh họa sĩ nổi tiếng bán tranh nhiều nhất Sài Gòn đã nói tôi nghe về Hội chợ nghệ thuật Singapore. Theo như anh nói thì giá tranh kiểu như "cô gái áo dài", "lá vàng lá đỏ" ở hội chợ này bèo bọt nhất cũng đã 5.000 đôla Singapore, bức nào giá ở Việt Nam là 2.000-3.000 đôla thì qua đó tệ lắm cũng trên 10.000-15.000 đôla. Hấp dẫn chứ!

Thêm vào đó, hội chợ này không phải ai muốn mang tranh qua cũng được, họa sĩ cũng không thể tự mình mang tranh qua bán dù rằng giá rẻ hơn một nửa, mà phải là một gallery có ít nhất ba cuộc triển lãm chuyên nghiệp trở lên và có tranh của nhiều họa sĩ. Do vậy, dù thực sự tôi hơi sợ trước những chuyện kinh doanh to tát, cũng ráng qua ngó thử một phen xem sao. Vì, trước giờ, triển lãm ở Himiko gần như chỉ toàn là "xem", nên nếu khả quan, thử tìm hiểu về chuyện "bán" cho họa sĩ trẻ chúng tôi còn lạc quan một chút về nghề nghiệp.

Đoàn chúng tôi từ TP.HCM có tám nghệ sĩ. Tôi rủ cô họa sĩ Nhật Koike Meeko đang có triển lãm ở Himiko đi cùng cho vui và cũng đỡ tiền phòng. Ngoài hai anh họa sĩ đang có tranh trong hội chợ, sáu người còn lại là lần đầu tiên đi hội chợ nghệ thuật ở Singapore. mục đích chắc cũng giống nhau hết, là đi cho biết giá và tranh ở đây so với bên mình thế nào. Và cũng vì vé máy bay đi Singapore rẻ hơn đi Hà nội, rẻ hơn cả Đà Nẵng nên coi như đi chơi cũng được.

Trước khi đi, với kinh nghiệm tổ chức nhiều triển lãm ở Himiko, chị hình dung và mường tượng chốn này thế nào?

Nguyễn Kim Hoàng: Trí tưởng tượng của tôi chỉ dừng ở mức: tranh ở đây có giá khoảng từ vài ngàn đến vài ba chục ngàn đô là hết. Còn chất lượng nghệ thuật thì không dám tưởng tượng.

Đến nơi rồi chị thấy thế nào?

Nguyễn Kim Hoàng: Giá tranh kinh khủng hơn mức tưởng tượng của tôi nhiều. Bước vào một gian hàng của gallery Indonesia thấy tranh có giá 150.000 đôla Sing mà còn thấy nhiều dấu chấm đỏ dán lên (dấu hiệu của người mua), tôi đã ngạc nhiên hết sức. Lát sau, bước tới gian hàng của một gallery Việt Nam đối diện, tôi thấy một bức tranh đề giá 600.000 đôla Sing, tương đương với 425.000 USD, dù không có dấu chấm đỏ nhưng tôi muốn "bật ngửa" và toát mồ hôi.

Sau bật ngửa và toát mồ hôi, đâu được xem là phát hiện của chị ở hội chợ này?

Nguyễn Kim Hoàng: Gian hàng của gallery Indonesia (Zola Zolu Gallery) chỉ treo tác phẩm của một mình tác giả Richard Winkler. Ông là họa sĩ người Thụy Điển, sinh năm 1969, hiện sống và làm việc tại Bali, Indonesia. Tất cả tranh của ông đều đồng giá 150.000 đôla Sing, tính sơ sơ thôi cũng bán được gần 3 triệu đôla Sing. Đây cũng là gian trưng bày lớn nhất hội chợ.

Vậy chị thích thú với điều gì nhất?

Nguyễn Kim Hoàng: Nghệ thuật cũng có giá ghê quá chứ!

Thật thế sao?

Nguyễn Kim Hoàng: Nhưng tôi không hiểu chuẩn để đưa ra giá một bức trạnh từ đâu. Khi nhìn thấy giá tranh 600.000 đôla Sing của gallery Việt Nam, chắc chắn là đắt giá nhất hội chợ lần này, tôi hơi ngơ ngác. Tôì nghe nói tranh Việt Nam trên thị trường nghệ thuật đang mất giá so với các nước trong vùng, mà ở đây, lại chễm chệ ghê, dù rằng chỉ đề giá thôi, không có ai mua. Các họa sĩ nổi tiếng nhất Việt Nam hình như cũng chưa tới giá đó.

Bản thân tôi đứng trước bức tranh gần nửa triệu đôla này cũng "sốc" đấy!

Nguyễn Kim Hoàng: Tôi chỉ hơi sốc một chút về giá cả vì đã xác định trước là "hội chợ" thì sẽ có đủ thứ "trên trời dưới đất", "thượng vàng hạ cám". Tuy nhiên, cô bạn họa sĩ Nhật đi cùng thì thất vọng và tổn thương ghê gớm. Tranh chị ấy triển lãm ở Việt Nam cũng chỉ giá 200-300 USD mà ở đây, giá tranh thật ngoài sức tưởng tượng.

Nhưng nghe nói chị vẫn có "âm mưu" quay trở lại Hội chợ nghệ thuật Singapore để bán tranh vào năm sau?

Nguyễn Kim Hoàng: Thực sự thì ban đầu tôi cũng định đi xem tình hình như thế nào, có nên mang thử tranh của anh em họa sĩ trẻ qua giới thiệu không. Nói là giới thiệu chứ thực chất là chúng tôi mang tranh sang bên đây để bán chứ giới thiệu thì sang quá. Bởi vì tiền thuê một gian hàng gần bằng tiền một lần di chuyển Himiko. Một gian hàng ở đó giá thuê là 14.000 đôla Sing, bán được tranh nào lại phải nộp 10%.

Lúc đầu mới xem, chúng tôi thấy khả quan lắm. Tranh anh em mang sang đây tệ gì cũng từ 10.000 đôla trở lên. Nhưng càng về sau, chúng tôi nhận thấy mọi thứ không hề dễ dàng. Số lượng tranh bán ra chỉ tập trung ở một số gallery, duy nhất gallery Indonesia treo 25 bán hết 20 bức, còn lại những gallery bán được chỉ lác đác. Thậm chí, có gallery còn không bán được bức nào. Tôi lờ mờ nhận ra cuộc chơi này không đơn giản. Đây là cuộc đầu tư dài hơi, phải ít nhất trải qua ba, bốn lần "giữ giá", "tay không" thì may ra mới trụ được. Vì thế, mọi thứ vẫn còn đang loay hoay.

Bài toán trả tiền thuê không gian trong bốn ngày hội chợ không phải là nhỏ và lần đầu tiên chắc chắn sẽ từ huề đến âm vốn. Với một nơi lực còn yếu như Himiko thì cần sự đầu tư của ai đó trong khoảng thời gian 5-10 năm nữa may ra mới tham dự những cuộc chơi một cách cạnh tranh nghệ thuật được./.
(TT&VH/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục