Slovakia trước sức ép phê chuẩn Quỹ EFSF

Đã có 16 nước trong Eurozone ủng hộ kế hoạch cải cách nhằm tăng quyền hạn và khả năng cho Quỹ ổn định tài chính châu Âu (EFSF).
Tính đến ngày 10/10 đã có 16 nước trong Khu vực sử dụng đồng tiền chung euro (Eurozone) ủng hộ kế hoạch cải cách nhằm tăng cường quyền hạn và khả năng cho qũy hỗ trợ đồng euro, được gọi là Quỹ ổn định tài chính châu Âu (EFSF) sau khi Manta chính thức phê chuẩn kế hoạch này.

Như vậy cho đến nay chỉ còn Slovakia chưa thông qua kế hoạch quan trọng nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công đang có nguy cơ lan rộng trong Khu vực đồng euro. Trong cuộc họp ngày 10/10, bốn đảng trong liên minh cầm quyền ở Slovakia vẫn chưa đạt được thoả thuận về cải cách EFSF.

Thủ tướng Slovakia, bà Iveta Radicova cho biết chính phủ nước này sẽ tiếp tục họp trong ngày 11/10 để tìm kiếm sự đồng thuận đối với EFSF trước khi đệ trình lên Quốc hội biểu quyết thông qua vào chiều cùng ngày.

Bà Radicova đã kêu gọi các đối tác trong chính phủ liên minh ủng hộ kế hoạch cải cách EFSF và cho biết bà có thể sẽ từ chức nếu liên minh cầm quyền không thông qua kế hoạch này.

EFSF, hiện trị giá 440 tỷ euro, được coi là một cơ chế rất quan trọng đối với việc xử lý cuộc khủng hoảng trong Khu vực đồng euro hiện nay. EFSF sẽ có hiệu lực nếu được tất cả 17 nước thành viên khu vực này thông qua.

Quỹ này sẽ cung cấp những khoản vay cho các nước đang đối mặt với nguy cơ vỡ nợ như là một biện pháp phòng ngừa khủng hoảng; mua trái phiếu chính phủ của các quốc gia mắc nợ trong Eurozone trên thị trường thứ cấp; cấp tiền cho các quốc gia thành viên để tái cấp vốn cho những ngân hàng bị tác động nghiêm trọng bởi gánh nặng nợ nần.

EFSF sẽ thay thế cho Cơ chế ổn định châu Âu (ESM) - một quỹ cứu trợ thường trực của EU sẽ hết hạn hiệu lực vào năm 2013.

Trong một diễn biến liên quan, ngày 10/10, Hội đồng châu Âu (EC) cho biết Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) và Khu vực đồng tiền chung châu Âu sẽ hoãn lại một tuần so với dự kiến, sẽ diễn ra vào ngày 23/10 thay vì ngày 17/10 như kế hoạch trước đó.

Thông báo Hội đồng châu Âu cho biết nguyên nhân là do EU muốn có đủ thời gian để hoàn tất chiến lược tổng thể để giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công hiện nay của các nước thành viên Eurozone.

Việc giải quyết cuộc khủng hoảng nợ ở châu Âu là vấn đề cấp thiết và quan trọng không chỉ đối với khu vực mà còn đối với cộng đồng quốc tế. Ngày 10/10, trong cuộc điện đàm với Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy, Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố ủng hộ hoàn toàn nỗ lực chung của Pháp và Đức tìm kiếm một giải pháp toàn diện cho cuộc khủng hoảng nợ công ở Eurozone.

Ông Obama đã đưa ra tuyên bố này một ngày sau khi hai nhà lãnh đạo cấp cao Pháp và Đức, trong cuộc gặp ở Berlin, đã cam kết phối hợp nỗ lực để sớm đưa ra giải pháp tổng thể ngăn chặn cuộc khủng hoảng tài chính và nợ công đang có nguy cơ lây lan trong khu vực.

Cùng ngày 10/10, Hy Lạp tuyên bố nước này đã hoàn tất chương trình làm việc với nhóm chuyên gia kiểm toán của "Bộ ba" nhà cho vay quốc tế - gồm EU, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Qũy tiền tệ quốc tế (IMF) - về tình hình tài chính và tiến bộ cải cách ở Hy Lạp.

Đoàn kiểm toán "Bộ ba" đã đến Athens từ ngày 26/9 để tiến hành công tác đánh giá tiến độ cải cách ở Hy Lạp trước khi quyết định có giải ngân khoản cứu trợ tiếp theo trong gói cứu trợ thứ nhất trị giá 110 tỷ euro dành cho Hy Lạp hay không. Đây là số tiền Athens cần phải có để trả lương và thanh toán một số khoản nợ đáo hạn vào tháng 10.

Dự kiến, "Bộ ba" EU, ECB và IMF sẽ đưa ra một tuyên bố chung về công tác thanh tra tình hình tài chính tại Hy Lạp vào ngày hôm nay (11/10)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục