Đề xuất cắm biển cho xe đón, trả khách dọc đường

Hiệp hội Vận tải Thành phố Hà Nội vừa đề xuất Bộ GTVT cắm biển đón trả khách trên đường tạo thuận lợi cho hành khách và nhà xe.
Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Thành phố Hà Nội vừa có văn bản số 07/2013/HH-CV gửi Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải) kiến nghị, đề xuất cắm biển đón trả khách dọc đường để tạo điều kiện cho hành khách đi lại thuận tiện.

Theo ông Bùi Danh Liên, việc xoá bỏ hầu hết các điểm đón trả khách dọc đường quốc lộ đã gây khó khăn cho việc đi lại của hành khách. Hành khách lên giữa đường phải đón và vẫy xe rải rác dọc tuyến làm ảnh hưởng đến an toàn giao thông, dừng đón trả khách nhiều điểm làm ảnh hưởng đến thời gian hành trình của xe.

“Từ đó, lái xe buộc phải tăng tốc ở những chặng sau để xe về bến đúng giờ, đó là nguy cơ xảy ra tai nạn do phóng nhanh vượt ẩu,” ông Liên khẳng định.

Ngoài ra, ông Liên cũng thừa nhận, doanh nghiệp không được dừng đỗ trả khách tại các tụ điểm dân cư trên đường vì lái xe sẽ bị cảnh sát giao thông phạt từ 1 đến 2 triệu đồng và tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 30 ngày. Khách hàng có nhu cầu xuống xe dọc đường, muốn đi xe phải mua vé trả tiền cho toàn tuyến, gây thiệt thòi cho hành khách.

[Vi phạm xe khách: Tăng mức phạt, lái xe vẫn “liều”]


Cụ thể, qua 3 năm theo dõi, kể từ ngày cơ quan có thẩm quyền cho nhổ hết các biển đón trả khách dọc đường quốc lộ, Hiệp hội Vận tải nhận thấy, trước đây, khách thường tập trung vào một số điểm có biển cắm nhưng hiện nay họ đứng vẫy xe khắp nơi dọc đường, lại có những điểm “cò gom khách”.

[Hà Nội: Khó xử lý tận gốc xe "săn" khách dọc đường]

“Việc cắm biển đón trả khách không những tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng có nhu cầu đi lại theo cung chặng, gom khách dọc tuyến tại những điểm đón trả khách an toàn còn giúp chủ xe bán thêm vé, tăng thêm doanh số và chống thất thu thuế,” ông Bùi Danh Liên cho biết.

Nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp vận tải, Hiệp hội Vận tải Thành phố Hà Nội kiến nghị Tổng cục Đường bộ Việt Nam quy hoạch toàn bộ các tuyến quốc lộ để quy định các điểm đón trả khách dọc đường tại những địa điểm bảo đảm an toàn (có sự tham gia ý kiến của các sở giao thông vận tải địa phương).

Khi thiết kế làm đường cao tốc và nâng cấp mở rộng quốc lộ 1, cơ quan chức năng cần đưa vào thiết kế, dự toán, quỹ đất làm trạm dừng đỗ xe. Trạm dừng đỗ xe ngoài các dịch vụ: phục vụ hành khách, bảo dưỡng, cứu hộ cứu nạn và cung cấp nhiên liệu, cần bố trí diện tích cho cơ quan chức năng thường trực kiểm soát giao thông, điều hành giao thông. Các trạm dừng nghỉ được bố trí lệch nhau giữa hai phía để tăng cường sự có mặt của các cơ quan chức năng kiểm soát giao thông./.

Việt Hùng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục