Chứng khoán châu Á lại mất đà trong phiên đầu tuần

Chứng khoán châu Á có phiên đỏ sàn đầu tuần mới, khi các nhà giao dịch lo ngại sự chậm lại kinh tế toàn cầu ảnh hưởng tới lợi nhuận đầu tư.

Hầu hết các thị trường chứng khoán châu Á đi xuống trong phiên giao dịch ngày 26/3, khi các nhà giao dịch lo ngại sự chậm lại của kinh tế toàn cầu sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận đầu tư.

Chỉ số MSCI của chứng khoán châu Á-Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản) giảm 0,6%, sau khi giảm 1,6% vào tuần trước. Chỉ số weighted của Đài Loan giảm 108,99 điểm, hay 1,34%, xuống 7.967,62 điểm. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc giảm 7,64 điểm, hay 0,38%, xuống 2.019,19 điểm. Chỉ số S&P/ASX200 của Australia giảm 7,6 điểm, hay 0,18%, xuống 4.262,8 điểm. Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 6,77 điểm, hay 0,07%, lên 10.018,24 điểm. Chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải tăng 1,06 điểm, hay 0,05%, lên 2.350,6 điểm. Chỉ số Hang Seng của Hong Kong tăng nhẹ 0,06 điểm, lên 20.668,86 điểm.

Mặc dù phố Uôn khởi sắc vào cuối tuần trước, chứng khoán châu Á không thể theo chân do những lo ngại về kinh tế Trung Quốc. Trong khi sức ép bán ra tăng thêm vào thời điểm sắp kết thúc quý I, vẫn có nhiều yếu tố làm giảm sức hấp dẫn của các tài sản rủi ro trong những ngày tới. Các nhà đầu tư có thể sẽ vẫn tiếp tục thận trọng nghe ngóng cho đến mùa báo cáo lợi nhuận vào tháng sau.

Các nhà đầu tư đang chờ đợi các bài phát biểu của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), Ben Bernanke, và Chủ tịch FED tại Philadelphia, Charles Plosser, trong ngày 26/3.

Theo nhận định của giới phân tích, khi đã có hai chủ tịch FED tại các khu vực phản đối việc tiếp tục nới lỏng định lượng, nếu ông Plosser cũng có cùng quan điểm, các nhà hoạch định chính sách của FED có thể nhất trí rằng các biện pháp bổ sung là không cần thiết.

Tuần trước, các thị trường mất điểm khi các số liệu cho thấy sự chậm lại của Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, doanh số bán nhà tại Mỹ thấp hơn dự báo và hoạt động chốt lời sau đợt tăng mạnh vào đầu năm. Các thị trường chứng khoán đã bị tác động mạnh sau khi Trung Quốc hạ dự báo tăng trưởng kinh tế trong năm nay xuống 7,5% vào giữa tháng Ba. Hoạt động sản xuất yếu kém của cả Trung Quốc và châu Âu cũng là những yếu tố ảnh hưởng tới các thị trường.

Trong năm nay, các thị trường nhận được động lực một phần từ sự phục hồi ổn định của kinh tế Mỹ và việc các ngân hàng trung ương lớn mạnh tay bơm thanh khoản. Kể từ đầu năm, chứng khoán Nhật Bản dẫn đầu đà tăng, với mức tăng trên 18%./.

Lê Minh (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục