Hoàn thiện chế độ chính sách liên quan lao động nữ

Đại diện Công đoàn Việt Nam khẳng định sẽ tiếp tục cùng Nhà nước hoàn thiện các chế độ chính sách liên quan đến lao động nữ.
Ngày 22/2, tại Hà Nội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp với Công đoàn Hóa chất, Mỏ, Năng lượng Quốc tế (ICEM), Công đoàn Dệt may Quốc tế (ITGWF), Công đoàn Kim khí Quốc tế (IMF) tổ chức hội thảo “Vận động phê chuẩn Công ước 183” về bảo vệ thai sản. Công ước được Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) thông qua từ năm 1952 và được sửa đổi, phê chuẩn lại năm 2000.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hồng nhấn mạnh, trong công cuộc đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo, bình đẳng giới là một trong những mục tiêu đáng chú ý và Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay Việt Nam vẫn đang phải tiếp tục đấu tranh chống phân biệt đối xử, vấn đề trọng nam khinh nữ, các phong tục lạc hậu... Đây là một cuộc đấy tranh đầy thử thách cam go. Phụ nữ nói chung và lao động nữ nói riêng trên thế giới với tư cách là người công dân, người mẹ và là người lao động vẫn còn chịu nhiều thiệt thòi. Đối với vấn đề bảo vệ thai sản, mặc dù đã có nhiều công cụ pháp lý quốc tế và quốc gia, lao động nữ luôn đứng trước những nguy cơ về vấn đề sức khỏe, điều kiện làm việc và đảm bảo việc làm trong suốt quá trình thai sản, mang thai, sinh con và nuôi con...

“Chúng tôi nhận thức sâu sắc rằng chăm lo đầu tư nâng cao chất lượng sống, chăm lo sức khỏe cho phụ nữ, trong đó có sức khỏe thai sản luôn có tầm quan trọng hàng đầu. Bởi vì tạo điều kiện cho họ làm tốt chức năng sinh sản, nuôi con trong những điều kiện tốt không chỉ góp phần xây dựng tổ ấm gia đình, phát triển các thế hệ tương lai khỏe mạnh mà còn có tầm ảnh hưởng xã hội to lớn, đó là việc xây dựng một xã hội tiến bộ, văn minh, trong đó lấy con người làm trọng tâm. Công đoàn Việt Nam đã và đang làm hết sức mình để chăm lo bảo vệ lợi ích của lao động nữ, tiếp tục cùng Nhà nước hoàn thiện các chế độ chính sách liên quan đến lao động nữ trong đó có vấn đề bảo vệ thai sản”, Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Thu Hồng nêu rõ.

Tại hội thảo, các đại biểu nữ là cán bộ công đoàn phụ trách công tác nữ công đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ như Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Jordan, Thái Lan, Philippines, Australia, Việt Nam đã thảo luận sôi nổi và đề ra các giải pháp cần thực hiện nhằm đạt được các mục tiêu của lao động nữ; hướng tới việc các nước phê chuẩn Công ước 183. Đây cũng là cơ hội để cán bộ Công đoàn Việt Nam được học tập và chia sẻ nhiều kinh nghiệm quý trong hoạt động chăm lo bảo vệ quyền lợi của lao động nữ từ tổ chức công đoàn của các nước.../.

Nguyễn Bích Thủy (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục