VN sẽ là trung tâm nghiên cứu, phát triển Panasonic

Panasonic sẽ nâng cấp Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển của Panasonic tại Việt Nam thành trung tâm R&D của tập đoàn này ở Đông Nam Á.
Tập đoàn Panasonic sẽ nâng cấp Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển của Panasonic tại Việt Nam (PRDCV) thành trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) của tập đoàn này ở khu vực Đông Nam Á.

Đây là một nội dung quan trọng trong chiến lược tái cơ cấu kinh doanh của tập đoàn điện tử Nhật Bản này.

Phát biểu tại cuộc họp báo tối 28/4, ông Fumio Ohtsubo, Chủ tịch Panasonic, cho biết trong thời gian tới, Panasonic sẽ tái cơ cấu tập đoàn theo ba ngành chính gồm: ngành kinh doanh hàng điện tử tiêu dùng (gồm các hệ thống nghe nhìn và liên lạc, điều hòa nhiệt độ, tủ lạnh, quạt sưởi và đồ gia dụng); ngành kinh doanh bộ phận và thiết bị; ngành cung cấp các giải pháp trong các lĩnh vực như năng lượng, môi trường, y tế và viễn thông.

Riêng trong ngành hàng đồ điện gia dụng, Panasonic đặt mục tiêu đạt tốc độ tăng trưởng doanh thu bán hàng ở nước ngoài hàng năm ở mức 2 chữ số trong giai đoạn 2011-2016.

Để thực hiện mục tiêu này, Panasonic sẽ nỗ lực tăng doanh số bán hàng ở các thị trường mới nổi như Ấn Độ và Việt Nam, thâm nhập vào các thị trường chưa khai thác và khai thác toàn diện thị trường châu Âu.

Bên cạnh đó, Panasonic sẽ tăng cường năng lực sản xuất bằng cách xây dựng nhà máy mới ở Ấn Độ để phục vụ cho thị trường châu Phi và ở Brazil để phục vụ cho thị trường Bắc Mỹ, đồng thời nâng cấp trung tâm R&D ở Việt Nam thành trung tâm R&D của Panasonic ở Đông Nam Á.

Liên quan tới Kế hoạch Chuyển đổi Xanh giai đoạn 2010-2012 (GT12) của Panasonic, ông Ohtsubo cho biết trong tài khóa 2010 (kết thúc vào tháng 3/2011), Panasonic đã đạt tốc độ tăng trưởng vững chắc trong các ngành hàng điều hòa nhiệt độ, tủ lạnh, quạt sưởi và đèn LED nằm trong 6 ngành kinh doanh chủ chốt của tập đoàn này.

Doanh số bán hàng ở các nền kinh tế mới nổi tăng 20% so với tài khóa trước nhờ doanh số bán hàng tăng mạnh ở Việt Nam và Ấn Độ. Tập đoàn này cũng thực hiện vượt mục tiêu cắt giảm khí CO2 trong quá trình sản xuất.

Trong tài khóa hiện nay, theo ông Ohtsubo, Panasonic đặt mục tiêu đạt doanh thu 8.800 tỷ yen, tăng 1% so với tài khóa trước, và lợi nhuận 310 tỷ yên, tăng hơn 1,5%.

Tập đoàn này hy vọng tăng doanh thu ở các thị trường mới nổi thêm 27% so với tài khóa 2010 lên mức 615 tỷ yen, trong đó tốc độ tăng trưởng doanh số bán hàng tại các nước thuộc nhóm BRIC + Việt Nam là 27%.

Về thảm họa động đất và sóng thần ngày 11/3, ông Ohtsubo đến nay, Panasonic đã khôi phục hoạt động của 7 nhà máy nằm trong khu vực bị ảnh hưởng bởi thảm họa. Tuy nhiên, việc chuỗi cung ứng nguyên vật liệu bị phá hủy sau thảm họa đã ảnh hưởng tới các hoạt động của tập đoàn này.

Để khôi phục hoàn toàn các hoạt động của Panasonic và giúp tái thiết Nhật Bản, ông Ohtsubo nói: “Panasonic sẽ tiếp tục hỗ trợ người dân ở vùng thảm họa, đồng thời đẩy nhanh các nỗ lực đưa hoạt động của các nhà máy này trở lại bình thường và chuẩn bị cho các thảm họa trong tương lai. Panasonic sẽ cắt giảm chi phí và chi tiêu đầu tư phù hợp với những thay đổi ở doanh thu do thảm họa gây ra, đồng thời quyết tâm đóng vai trò quan trọng trong các nỗ lực tái thiết đất nước.”

Để đối phó với tình trạng thiếu hụt điện năng ở Nhật Bản trong thời kỳ hậu thảm họa động đất và sóng thần, theo ông Otsubo, Panasonic sẽ thúc đẩy việc sử dụng đèn LED tiết kiệm năng lượng và đưa ra các giải pháp kết hợp giữa sản xuất, tích trữ và quản lý năng lượng./.

Thanh Tùng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục