Huy động sức mạnh toàn xã hội phòng ngừa tội phạm

Quan tâm đến công tác phòng ngừa tội phạm, nhiều đại biểu QH đề xuất tăng cường các hình thức giáo dục ý thức chấp hành pháp luật trong dân.
Ngày 26/10, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại Hội trường về các báo cáo: Công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; công tác của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; công tác thi hành án và công tác đặc xá.

Qua thảo luận, các đại biểu đánh giá các báo cáo của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Việt kiểm sát nhân tối cao đã nêu những kết quả đạt được, những khó khăn, vướng mắc, những tồn tại hạn chế, phân tích những nguyên nhân và đưa ra các kiến nghị, giải pháp để thực hiện có hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Trong những năm qua, Chính phủ tăng cường công tác chỉ đạo, tiếp tục triển khai nhiều chính sách, biện pháp phòng ngừa trên các lĩnh vực của đời sống kinh tế-xã hội và đạt hiệu quả tích cực. Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh quốc gia, phòng chống tội phạm trong tình hình mới gắn với đẩy mạnh thực hiện các chương trình quốc gia phòng chống tội phạm, phòng chống ma túy...

Chính phủ cũng đã sửa đổi, bổ sung, ban hành mới nhiều văn bản quy phạm pháp luật, đề án, chương trình, kế hoạch về phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm nhằm kịp thời khắc phục những sơ hở, thiếu sót trong quản lý kinh tế- xã hội, tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho công tác phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm. Công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, huy động sức mạnh của toàn xã hội tham gia phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm, cảm hóa giáo dục người phạm tội được tăng cường.

Nhìn chung, công tác thi hành án dân sự tiếp tục đạt được những kết quả tích cực; kết quả thi hành xong về số vụ việc và giá trị tài sản đều vượt chỉ tiêu đề ra; số việc còn phải thi hành chuyển sang kỳ sau giảm so với cùng kỳ năm 2010. Nhiều cơ quan quan thi hành án dân sự địa phương đã làm tốt công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo nên đã hạn chế đáng kể tình trạng khiếu nại vượt cấp lên trung ương, nhiều vụ việc khiếu nại tồn đọng kéo dài đã được giải quyết dứt điểm.

Năm 2011, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo thực hiện những quy định của Pháp lệnh thi hành án phạt tù và triển khai công tác thi hành án hình sự theo Luật thi hành án hình sự có hiệu lực từ ngày 1/7/2011. Công tác thi hành án hình sự thời gian qua có nhiều chuyển biến tích cực trên các mặt: chế độ giam giữ, giữ, sinh hoạt của phạm nhân.

Các đại biểu Quốc hội đã thảo luận, đóng góp ý kiến về nhiều nội dung: công tác phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm; phát hiện, đấu tranh chống vi phạm pháp luật và tội phạm; thực hành quyền công tố và kiểm sát việc giải quyết các vụ án hình sự; kiểm sát việc giải quyết các vụ, việc dân sự và các vụ án hành chính; giải quyết, xét xử các loại án; giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân.

Có ý kiến đề nghị Chính phủ cần có những giải pháp mang tính đột phá và đồng bộ trong việc giải quyết ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông.

Quan tâm đến công tác phòng ngừa tội phạm, nhiều đại biểu cho rằng ý thức của công dân có vai trò quan trọng và đề xuất tăng cường hơn nữa các hình thức tuyên truyền, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật trong nhân dân, đặc biệt cần có sự phối hợp hiệu quả giữa gia đình và nhà trường trong việc giáo dục thanh thiếu nhi; xây dựng các biện pháp chế tài đủ mạnh để xử lý các hình vi vi phạm.

Một số đại biểu đề nghị cần tăng cường vai trò nòng cốt của công an cơ sở, sự phối hợp hiệu quả của các lực lượng an ninh cơ sở trong công tác giữ gìn an ninh trật tự; vận động nhân dân, huy động sức mạnh của toàn xã hội tham gia phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm, cảm hóa, giáo dục người phạm tội. Chính phủ cần hỗ trợ để hình thành các khu tự quản về an ninh trật tự tại các địa phương.

Nhiều đại biểu đề nghị tiếp tục phát huy vai trò của báo chí trong công tác tuyên truyền phòng, chống tham nhũng; có cơ chế bảo vệ người tố cáo tham nhũng, bảo vệ người dân tham gia phòng chống tội phạm; xử lý nghiêm các đơn vị, tổ chức cá nhân vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu khẳng định đây là một trong những nội dung rất quan trọng, được cử tri đặc biệt quan tâm, chính vì vậy Quốc hội đã dành 1,5 ngày để nghe và thảo luận.

Phó Chủ tịch đề nghị tiếp thu đầy đủ các ý kiến của đại biểu và chỉ đạo để đưa một số nội dung của các báo cáo này cùng các ý kiến của đại biểu vào Nghị quyết chung về kinh tế xã hội của kỳ họp, sau đó giao trách nhiệm cho cơ quan tổ chức có thẩm quyền khắc phục những yếu kém tồn tại trong công tác này, tạo ra chuyển biến tích cực hơn, rõ rệt hơn trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật./.

Quỳnh Hoa-Thanh Vân (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục