“Chính phủ cần đầu tư nhiều hơn nữa cho tam nông”

Để kinh tế phát triển cần phải đầu tư nhiều hơn nữa cho tam nông nhưng quan trọng nhất là phải có sự đột phá về giao thông.
Sau 25 ngày làm việc khẩn trương, trong đó có 42 phiên thảo luận tại hội trường, 7 phiên thảo luận tại tổ, với tinh thần trách nhiệm cao, Quốc hội đã hoàn thành tốt khối lượng lớn công việc đề ra, trong đó có nhiều nội dung quan trọng được đông đảo nhân dân quan tâm.

Phóng viên Vietnam+ đã có cuộc trao đổi với Tiến sỹ Trần Hoàng Ngân, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ Quốc gia, đại biểu đoàn Thành phố Hồ Chí Minh. Ông Ngân cho rằng, cần phải đầu tư nhiều hơn cho tam nông nhưng quan trọng nhất là phải có sự đột phá về giao thông thì mới đẩy mạnh được lĩnh vực này.

- Là một đại biểu Quốc hội có nhiều nhiệt huyết nhất là đối với những vấn đề kinh tế. Vậy trong kỳ họp vừa qua ông thấy các đại biểu quan tâm đến vấn đề gì nhất?

Ông Trần Hoàng Ngân: Có rất nhiều vấn đề được các đại biểu Quốc hội quan tâm, tuy nhiên tập trung nhất vào các vấn đề như:

Thứ nhất, về vấn đề kinh tế xã hội, trong đó nhiều đại biểu quan tâm bức xúc nhất là vấn đề nông nghiệp. Tăng trưởng phải dựa trên tiềm lực kinh tế đất nước mình, phải dựa vào điều kiện kinh tế xã hội nước ta đó là nông nghiệp chứ không phải là công nghiệp.

Chúng ta muốn công nghiệp hóa-hiện đại hóa nhưng Việt Nam có đến gần 80% là nông nghiệp thì phải phát triển công nghiệp trên cơ sở nền nông nghiệp chứ. Phát triển công nghiệp để phục vụ cho nền nông nghiệp, như cơ khí chế tạo… để gia tăng giá trị nông nghiệp. Đó là những điều quan trọng mà đại biểu kỳ này quan tâm.

Thứ hai là kinh tế biển, Việt Nam có bờ biển dài và đẹp, câu hỏi đặt ra là giờ mình phát triển tới đâu, đã sử dụng hiệu quả chưa, đánh bắt xa bờ ra sao? Trong khi hiện nay nhiều đội tàu ngư dân không được đầu tư, để rồi sóng to gió lớn đội tàu không thể tự điều chỉnh. Nếu như mình giảm bớt đầu tư cho Vinaline thì đã đầu tư cho nhân dân được nhiều hơn.

Tôi muốn nhấn mạnh, chúng ta phải thay đổi cơ cấu lấy đất nông nghiệp làm công nghiệp, cuối cùng khai thác không hết gây lãng phí, dân bức xúc, chưa kể có ngành công nghiệp hoạt động lại làm hại đến ngành nông nghiệp.

Bên cạnh đó, vấn đề bây giờ nội tại kinh tế Việt Nam vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại không thể giải quyết một sớm một chiều được. Vì nếu ta nới lỏng chính sách tiền tệ, nới lỏng đầu tư công, chắc chắn lạm phát sẽ quay trờ lại. Vì căn nguyên của lạm phát không giải quyết được. Nguyên nhân gây bệnh của mình chính là là bội chi ngân sách, đầu tư công dàn trải cần phải có cơ chế để khắc phục, giám sát hiệu quả, do đó mình phải hoàn thiện thể chế.

- Có vẻ như ông hơi lo lắng về dấu hiệu giảm lãi suất hiện nay?

Ông Trần Hoàng Ngân: Nếu không lo lắng nó sẽ lặp lại dấu hiệu lạm phát của thị trường.

- Theo ông, cần phải có những biện pháp gì để thị trường được ổn định hơn?

Ông Trần Hoàng Ngân: Chính phủ phải kéo lạm phát về mức ổn định, căn bệnh căn nguyên của mình là quản lý giá. Một trong những ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân là dịch vụ ăn uống, ảnh hưởng lớn nhưng giá không giảm, giá xăng giảm nhưng giá dịch vụ không giảm. Cơ chế quản lý giá của mình tôi cảm thấy hơi lo lắng.

- Đầu tư cho kinh tế biến và đầu tư nông nghiệp thấy rõ là  vô cùng chậm, Quốc hội không đưa vào nghị quyết liệu có thể biến thành hành động không thưa ông?

Ông Trần Hoàng Ngân: Mong đợi sự giám sát của các đại biểu Quốc hội một cách mạnh mẽ hơn, tái cơ cấu thị trường tài chính mình cũng đang triển khai rồi, tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước cũng đang cổ phẩn hóa… Tất cả đòi hỏi thể chế, quy định trong giám sát.

- Ông đã nhấn mạnh cần phải đầu tư cho nông nghiệp, vậy theo ông cần phải có sự chuyển động gì để đi vào cuộc sống?

Ông Trần Hoàng Ngân: Nghị quyết giám sát chuyên đề về thực hiện chính sách pháp luật về đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã được Quốc hội thông qua, với mục tiêu tăng đầu tư cho tam nông “5 năm sau cao gấp 2 lần 5 năm trước”.

Như vậy sẽ phát triển đầu tư nhiều hơn cho tam nông nhưng quan trọng nhất là phải có sự đột phá về giao thông thì mới đẩy mạnh đầu tư xã hội cho tam nông. Tam nông, tổng vốn đầu tư công có tăng, nhưng tổng vốn đầu tư xã hội giảm. Hiện nay tổng vốn đó mới chỉ chiếm 6,2%, cho nên cần phải đẩy mạnh.

- Vậy khoảng bao nhiêu để tạo chuyển biến trong nông nghiệp, nông thôn?

Ông Trần Hoàng Ngân: Khoảng 15-20% mới có thể phát triển cho nông nghiệp, nông thôn. Phát triển trên cơ sở tài nguyên thiên nhiên của đất nước mình thì tôi tin là sẽ phát triển./.

- Xin cảm ơn ông!

Minh Thúy (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục