Bầu cử ở Anh - một cuộc đua ồn ào và khó đoán

Cuộc tổng tuyển cử ngày 6/5 ở sứ xở sương mù được cho là cuộc chạy đua ồn ào và khó đoán nhất kể từ Đại chiến Thế giới thứ II.
Cuộc tổng tuyển cử ngày 6/5 ở sứ xở sương mù là cuộc chạy đua ồn ào nhất và khó đoán nhất kể từ Đại chiến Thế giới thứ II.

Nói ồn ào nhất là bởi cuộc bầu cử năm nay có sự tham gia mạnh mẽ của truyền hình và Internet. Lần đầu tiên thủ lĩnh ba đảng lớn nhất tiến hành tranh luận trực tiếp trên truyền hình và sau đó là các đợt tuyên truyền rầm rộ của bộ máy vận động tranh cử trên các mạng xã hội như Twitter, Facebook.

Ba cuộc tranh luận đầy kịch tính đã thu hút sự quan tâm của hàng chục triệu người người theo dõi trực tiếp và góp phần đưa uy tín của đảng Dân chủ Tự do - đảng lớn thứ ba ở Anh - lên cao.

Tuy nhiên, cuối cùng thì Dân chủ Tự do vẫn không thể vươn lên bứt phá với hai đối thủ lớn và giàu truyền thống là Công đảng cầm quyền và Bảo thủ.

Với đa số người dân Anh, từ lâu trong đầu họ vẫn tồn tại ý nghĩ Công đảng lo lắng đến cuộc sống của người lao động chân tay, còn Bảo thủ chăm lo lợi ích của các doanh nghiệp, Dân chủ tự do thiên về các chính sách xã hội cởi mở.

Suy thoái kinh tế càng khiến người ta nghĩ về chuyện cơm ăn áo mặc nhiều hơn.

Còn nói khó đoán nhất là bởi sự bám đuổi sít sao giữa các đảng. Lần đầu tiên kể từ năm 1974 Anh có nguy cơ bị “quốc hội treo” rất cao - nghĩa là không đảng nào giành đủ số ghế quá bán để thành lập chính phủ.

Nếu giành thắng lợi, David Cameron sẽ là người đầu tiên trong hơn 30 năm hất đổ chính phủ của Công đảng và trở thành thủ tướng trẻ nhất của Anh từ trước tới nay.

Còn nếu phần thắng thuộc về Gordon Brown, đương kim thủ tướng sẽ là người giữ ghế cho Công đảng trong bốn nhiệm kỳ liên tiếp.

Hệ thống bầu cử ở Anh hoạt động theo hình thức “ai nhiều phiếu nhất thì thắng,” nói nôm na là “được ăn cả, ngã về không.” Có nghĩa là trong một khu vực bầu cử, một đảng chỉ cần giành được nhiều phiếu nhất mà không cần quá bán, là đủ để nhận được một ghế tại Hạ viện đại diện cho khu vực đó.

Sáng 6/5, đường phố London không có vẻ gì đang diễn ra một sự kiện quốc gia. Quang cảnh không khác ngày thường là mấy, không ồn ào náo nhiệt, không băngrôn, khẩu hiệu, cờ hoa. Cũng không có những chiếc xe cổ động ầm ỹ như ở một số nước khác.

Tại quận Ealing, ủy ban bầu cử chọn một ngôi trường tiểu học làm điểm bỏ phiếu. Hai tờ giấy khổ A3 dán trên tường với dòng chữ “Điểm bỏ phiếu,” in đơn giản nhưng đủ để thông báo cho cử tri biết nơi họ cần đến.

Các điểm bỏ phiếu thường mượn một trường học, nhà thờ hoặc thư viện nào đó. Nhưng cũng có nhiều điểm ít ai có thể ngờ tới, như cửa hàng tạp hóa, tiệm uốn tóc và thậm chí ở cả... gầm cầu.

Các điểm bỏ phiếu mở cửa từ 7 giờ sáng đến 10 giờ tối. Công tác kiểm phiếu được tiến hành ngay sau đó và rất nhanh chóng, mặc dù tất cả đều làm bằng tay.

Tại các khu vực bầu cử như Houghton và Sunderland, chỉ mất hơn một giờ sau khi đóng hòm phiếu, ban kiểm phiếu đã công bố kết quả. Trong kỳ bầu cử trước vào năm 2005, khu vực này lập kỷ lục với 30.746 lá phiếu được kiểm trong vòng hơn 42 phút.

10 giờ sáng, xuất hiện ở các điểm bỏ phiếu chủ yếu là những người từ trung tuổi trở lên. Rất hiếm khuôn mặt trẻ dưới 30 tuổi.

Tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu lần này ước tính cao nhất trong 13 năm (gần 70%). Trong cuộc bầu cử năm 1997, khi Công đảng giành thắng lợi vang dội, tỷ lệ đi bầu lên tới 71%.

Thông thường, tại các khu vực nội đô của các thành phố lớn, tỷ lệ đi bầu thường thấp hơn so với các khu vực ngoại ô.

Các thống kê cũng cho thấy nơi nào có nhiều người sống bằng tiền trợ cấp nhà nước, nơi đó có ít cử tri quan tâm đến quyền lợi bỏ phiếu.

Một lý do là khu vực nội thành thường là nơi tập trung của những người đến từ nhiều quốc gia khác nhau và điều họ quan tâm hơn cuộc mưu sinh thường nhật chứ không phải chính trị.

Trả lời câu hỏi “Sẽ bầu cho ai?” một người Anh gốc Nam Phi nói: “Tôi bầu cho tôi.”

Angie Bray, một ứng cử viên vào Hạ viện của đảng Bảo thủ, cho biết nhiều người Anh quan tâm đến bầu cử hội đồng địa phương hơn là bầu cử quốc hội. Theo họ, Hội đồng quận mới là người quyết định mức thuế hội đồng họ phải đóng hằng năm hay con đường dân sinh nào trong quận sẽ được sửa chữa.

Vậy người Anh đi bỏ phiếu vì điều gì? Một cuộc điều tra của YouGov cho biết động lực lớn nhất để các cử tri đi bỏ phiếu là bởi họ cảm thấy cần phải “thực hiện bổn phận” của một công dân (48%), trong khi 27% nói rằng đây là dịp để họ “bày tỏ tiếng nói” và 22% đi bỏ phiếu với mong muốn “tạo ra một sự thay đổi” cho cuộc sống của chính họ.

Ở Anh, tổng tuyển cử cũng là một dịp để người dân đánh bạc. Năm nay, số tiền đặt cược đổ vào các hòm phiếu tăng bốn lần so với kỳ bầu cử trước, lên tới 40 triệu bảng.

Bất chấp tình hình năm nay rất khó đoán, một con bạc lớn London vẫn bỏ ra 5.000 bảng đặt cược cho thủ lĩnh Công đảng Gordon Brown. Với tỷ lệ 1/14, nếu đoán trúng anh này sẽ ẵm về 75.000 bảng (hơn 3 tỷ VND). Thậm chí có người còn đặt cược rằng vợ chồng thủ tướng Brown sẽ chia tay sau khi thất bại, với tỷ lệ 1/250./.

Vũ Hội /London (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục