Nghịch lý trong đời sống bóng đá Việt Nam

Nhiều người cho rằng, đang tồn tại nghịch lý trong đời sống bóng đá Việt Nam khi các hoạt động không vận hành theo quy luật kinh tế.
Nhiều lần, các chuyên gia tự hỏi, bóng đá có chịu ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng tài chính. Đó là điều chắc chắn. Trong khó khăn về tài chính, các doanh nghiệp cắt giảm chi phí cho quảng cáo, quảng bá thương hiệu. Thế nhưng, chi tiêu cho bóng đá không phải vì thế mà bị cắt giảm.

Nhiều người cho rằng, đang tồn tại nghịch lý trong đời sống bóng đá khi các hoạt động không vận hành theo quy luật kinh tế.

Chi phí cho các đội bóng ngày một leo thang. Cách đây vài năm, VFF quy định, một đội bóng muốn được coi là chuyên nghiệp phải có ngân sách hoạt động từ 7 tỷ đồng trở lên. Số tiền này ngoài việc chi dùng cho đội 1 còn nuôi cả hệ thống điều hành và đào tạo trẻ.

Thế nhưng, tiêu dùng của các đội bóng gia tăng một cách chóng mặt. Ngay một đội bóng nghèo như Thanh Hóa cũng có ngân sách hoạt động lên đến 12 tỷ đồng. Khiêm tốn như Nam Định, Sông Lam Nghệ An cũng tiêu 17 - 18 tỷ đồng trong một năm. Với các đại gia, số tiền chi trong một mùa giải dao động từ 25 - 35 tỷ đồng. Thậm chí, có đội bóng phải dùng đến 40 tỷ đồng trong một năm.

Đây là một con số không tưởng ở một vài mùa giải trước. Thời đó, một đội bóng tiêu khoảng 20 tỷ đồng/mùa giải đã là hoành tráng. Thế nhưng, ngân sách hoạt động của các đội bóng tăng theo từng mùa và đến thời điểm này dường như không có giới hạn. Bất chấp những khó khăn kinh tế mà xã hội đang trải qua, các đội bóng đã và sẽ tiêu nhiều tiền hơn.

Tất nhiên, không phải đội bóng nào tiêu nhiều tiền cũng thành công. Một số đội bóng tốn tiền hao của nhưng vẫn thất bại trong cuộc đua. Nhiều người sẽ bất ngờ nếu những thông số về tài chính của các đội bóng được công khai.

Nhưng sự trái quy luật giữa bóng đá và đời sống kinh tế lại phản ánh một bức tranh thật về các sân chơi quốc nội. Các đội bóng ngày càng được đầu tư nhiều hơn nhằm đạt những thành tích trong sân cỏ. Trong đó, quỹ lương và tiền dành cho chuyển nhượng ngày một lớn, trở thành gánh nặng với các câu lạc bộ.

Theo thống kê, chi phí cho ngoại binh chiếm từ 30-45% kinh phí hoạt động của đội bóng trong một năm. Đó là các khoản lót tay và tiền lương, thưởng hàng tháng cho cầu thủ ngoại. Sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt giữa các đội bóng khiến cho những ông chủ phải đầu tư mạnh mẽ hơn nữa cho ngoại binh. Họ yêu cầu những cầu thủ ngoại có chất lượng. Thế nên, việc một cầu thủ ngoại nhận mức lương 10.000 USD/tháng bây giờ là bình thường. Đó là chưa kể đến hàng trăm nghìn USD cho mỗi bản hợp đồng sẽ ký.

Không chỉ ngoại binh, nội binh cũng khiến các đội bóng phải chi dùng nhiều tiền. Thậm chí, một số cầu thủ nội còn đắt giá hơn ngoại binh. Điển hình, để chiêu mộ Công Vinh, T&T Hà Nội phải chi 8 tỷ đồng. Sắp tới, họ chi tiếp 8 tỷ đồng lót tay cho Huy Hoàng. Như vậy, không có cầu thủ ngoại nào đắt giá bằng Công Vinh.

V.League bây giờ thực sự là cuộc chơi tốn kém. Các doanh nghiệp nếu không có nhiều tiền sẽ bị đào thải khỏi cuộc chơi. Nhưng không hiểu, cuộc chạy đua về tiền bạc giữa các đại gia sẽ dẫn thị trường chuyển nhượng đến đâu, bởi hiện tại, chúng ta đang chứng kiến quá nhiều những giá trị ảo./.
(Tin Tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục