Sudan: Tám người chết vì biểu tình chống tăng giá

Tám người đã thiệt mạng trong một cuộc biểu tình phản đối giá cả các mặt hàng quá cao ở Sudan trong cuộc biểu tình mùa Xuân Arập.
Tám người đã thiệt mạng trong một cuộc biểu tình phản đối giá cả các mặt hàng quá cao ở Sudan ngày 31/7, theo lời cảnh sát. Đây là vụ bạo lực tồi tệ nhất tại đây kể từ khi những cuộc biểu tình theo kiểu mùa xuân A-rập nổ ra sáu tuần trước. “Tám người đã thiệt mạng và 24 người bị thương, bao gồm ba cảnh sát bị thương nặng,” hãng tin nhà nước Sudan SUNA dẫn lời cảnh sát thông báo. Họ là những người đầu tiên được xác nhận đã thiệt mạng liên quan tới các vụ biểu tình chống chế độ bắt đầu vào khoảng giữa tháng 6 và đang lan rộng. Phong trào hoạt động Sudan Change Now (Thay đổi Sudan bây giờ) cáo buộc lực lượng an ninh chính phủ đã xả súng vào đám đông biểu tình và nói 12 người, nhiều người là thiếu niên, đã thiệt mạng. Cảnh sát không cho biết nguyên nhân của những vụ thiệt mạng nhưng nói lực lượng chính phủ chỉ “sự dụng vũ lực mức độ thấp” để kiểm soát tình hình sau khi những kẻ biểu tình đốt một trạm xăng và cơ sở cảnh sát ở thành phố Nyala. Một nhân chứng nói với AFP trước đó rằng cảnh sát đã sử dụng hơi cay với những người biểu tình, chia thành nhiều nhóm xung quanh khu chợ chính ở Nyala. Nhân chứng này nói những người biểu tình ném đá vào các tòa nhà chính phủ và đốt lốp xe trên đường. Giống như các cuộc biểu tình khác ở Sudan, họ lặp lại thông điệp của những người biểu tình thuộc phong trào mùa xuân A-rập: “Người dân muốn chế độ sụp đổ”. Một nhân chứng nói bốn người biểu tình và ba sĩ quan cảnh sát bị thương và chảy máu đã được đưa đi điều trị.

Bạo lực bùng phát ở Nam Dafur ngày 31/7 (Nguồn: AFP)
Biểu tình ở Sudan bắt đầu từ 16/6 khi các sinh viên Đại học Khartoum tuyên bố bãi khóa phản đối giá lương thực cao và là cuộc thách thức lớn nhất với chế độ đã kéo dài 23 năm của Tổng thống Omar al-Bashir. Lạm phát lên tới 37% trong tháng 6 so với cùng kỳ. Sau khi ông Bashire tuyên bố các biện pháp khắc khổ, bao gồm tăng thuế và chấm dứt tài trợ giá nhiên liệu, các cuộc biểu tình đã diễn ra lẻ tẻ với những nhóm 100-200 người, xung quanh thủ đô Khartoum và các vùng khác của Sudan. Những cuộc biểu tình giảm bớt trong tháng chay thiêng liêng Ramadan của người Hồi giáo, bắt đầu từ 20/7. Nhưng một cuộc đình công của các tài xế trong ngành vận tải công cộng do giá nhiên liệu tăng đã gây thêm gánh nặng lên người dân ở Nyala. Cuộc đình công có thể là nguyên nhân dẫn đến biểu tình ngày thứ Hai với sự tham gia của hơn 200 sinh viên và gia tăng quy mô vào ngày thứ Ba, theo phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên đoàn châu Phi và Liên Hiệp Quốc tại Darfur (UNAMID). “Chuyện này xảy ra trên những con đường chính và khu chợ chính. Một số tòa nhà đã bị phá hủy”, người phát ngôn UNAMID, Christopher Cycmanick, cho biết. Bothina Mohmed Ahmed, một người phát ngôn của chính quyền Nam Darfur, nói với AFP rằng cuộc biểu tình nổ ra vì các sinh viên “từ chối giá cả dịch vụ giao thông công cộng do chính quyền công bố.” Ba Ahmed nói “các nhóm khác”, mà bà không nói rõ, đã tấn công các tòa nhà chính phủ trong cuộc biểu tình. “Nhưng giờ tình hình đã dịu lại và được kiểm soát”, ba nói. “Chúng tôi và các quan chức an ninh có kế hoạch đảm bảo an toàn cho thị trấn trong vài ngày tới.” Thống đốc bang Nam Darfur, Hamad Ismail, nói những người biểu tình nhắm vào các cơ sở của chính phủ “giống với cách các nhóm nổi loạn vẫn làm”. “Chúng tôi xác nhận rằng chuyện này không liên quan gì tới tình hình kinh tế”, SUNA dẫn lời ông Ismail nói. Tại Sudan năm 1964, cái chết của sinh viên Ahmed al-Qureshi đã làm bùng phát cuộc cách mạng tháng 10 tại Khartoum lật đổ chính quyền quân sự sau những cuộc biểu tình của hàng chục nghìn người. Trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế 1985, những đám đông lớn ở thủ đô đã nổi loạn dẫn tới vụ lật đổ không gây đổ máu tổng thống Gaafar al-Nimeiry. Người Sudan tự hào với lịch sử những cuộc tuần hành đường phố đã xảy ra rất lâu trước các cuộc cách mạng mua xuân A-rập ở Ai Cập, Tunisia, Syria và các nơi khác từ cuối năm 2010. Nhưng Darfur cách khá xa Khartoum và vùng viễn tây đất nước này là nơi gần như không có luật pháp. Các băng cướp, những nhóm vũ trang thiểu số và nhóm nổi dậy hoạt động mạnh ở đây, thường xuyên đụng độ gây chết người với lực lượng chính phủ, dù hiện tình hình đã đỡ căng thẳng hơn nhiều so với lúc bạo lực lên đến đỉnh điểm các năm 2003 và 2004, khi những nhóm sắc tộc thiểu số không phải người A-rập nổi dậy chống lại chế độ Khartoum. Liên Hợp Quốc nói hơn 300.000 người đã thiệt mạng ở Darfur, nhưng chính phủ Khartoum nói số người chết là 10.000./.
Trần Trọng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục