Ghi dấu tiền nhân

Lý Sơn - Nơi mỗi bước chân đều in dấu tiền nhân

Qua hàng trăm năm, những đền, miếu và sắc phong lưu giữ ở Lý Sơn đã minh chứng rằng Hoàng Sa mãi là lãnh thổ cương vực Việt Nam.
Không phải tới ngày 26/1/2010 vừa rồi, khi khánh thành và đưa vào sử dụng Khu di tích lịch sử Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa tại Lý Sơn, Quảng Ngãi thì huyện đảo này mới được vinh danh là nơi bảo tồn di tích Hoàng Sa nhiều nhất Việt Nam.

Trên thực tế, trải qua hàng trăm năm, với những đền, miếu và các sắc phong còn lưu giữ lại được nơi các nhà thờ họ ở Lý Sơn đã minh chứng hùng hồn rằng, các thế hệ đi trước của Lý Sơn đã từng đặt chân tới Hoàng Sa và ghi dấu chủ quyền: Hoàng Sa mãi là lãnh thổ cương vực Việt Nam.

Bảo tàng Hoàng Sa trên biển

Tôi đang đứng trước tượng đài Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa trên huyện đảo Lý Sơn.

Cụm tượng đài gồm ba nhân vật đều cao 4,5 mét, nặng 40 tấn, trong đó có vị cai đội trưởng một tay cầm giáo, một tay đặt trên cột mốc chủ quyền có dòng chữ “Vạn lý Hoàng Sa”.

Sau lưng tượng đài khắc dòng chữ “Bản quốc hải cương Hoàng Sa xứ tối thị hiểm yếu” (tạm dịch: Quần đảo Hoàng Sa là nơi cực kỳ hiểm yếu nơi biên giới quốc gia).

Giờ đây, đối diện trước mặt tôi là ba vị cai đội danh tướng Hoàng Sa, một cảm xúc rất lạ chợt dâng lên nghẹn cứng lồng ngực tôi.

Đó chính là xúc cảm chủ quyền, là cảm thức đất mẹ, cảm thức vừa thiêng liêng như tình mẫu tử, vừa đau đáu nỗi dấu yêu tấc đất nơi trùng khơi và xót xa trong di huấn tiền nhân.

Nơi huyện đảo biên ải này có nơi nào mà không đổ giọt mồ hôi và cả máu của bao thế hệ người Việt đi trước.

Đây là Âm Linh tự - nơi thờ các chiến binh Hoàng Sa trên đảo Lý Sơn. Tương truyền rằng "Hoàng Sa đi dễ khó về", vậy nên trước ngày đi, người dân đảo đã làm lễ Khao lề thế lính, tế sống trước những vong hồn chẳng may tử nạn nơi biên trùng biển khơi.

Cách đây hàng trăm năm, mỗi lần vượt biển tới đây, hải đội  Hoàng Sa được tổ chức vài chục người, trong hành trang ngoài lương thực và các nhu yếu phẩm bao giờ cũng có cuộn dây mây và những manh chiếu.

Những vật dụng đặc biệt này mang đi nhằm đề phòng có ai bỏ xác ngoài biển khơi thì được cuộn trong chiếu và lấy dây mây buộc thây gửi sóng mang về với đất mẹ.

Cách  Âm Linh Tự không xa,  gần phía gần cầu cảng huyện Lý Sơn còn hiện diện hàng chục ngôi mộ gió thờ vong hồn của người đi biển Hoàng Sa. Ông lão Nguyễn Từ, là thầy cúng của Âm linh tự dẫn tôi ra viếng mộ và nói rằng:  Những ngôi mộ này bên trong là hình nhân đất sét.

“Những người đi Hoàng Sa năm xưa một đi không trở lại. Nếu đi hơn một năm mà thấy không về, những người thân trong gia đình biết đã bỏ mạng ngoài khơi nên tổ chức táng những hình nhân đất sét thế mạng họ”, ông Từ cho hay.

Ngoài Âm linh tự và quần thể những ngôi mộ gió thì Lý Sơn còn lưu giữ nhiều văn bản cổ là những sắc phong, tờ lệnh của triều Nguyễn cho các dòng họ mà tổ tiên của họ là các cai đội Hoàng Sa năm xưa.

Có thể kể tới những dòng họ lừng danh đã gắn bó máu thịt của tổ tiên mình với Hoàng Sa như dòng họ Phạm Quang, Nguyễn Hữu, Nguyễn Quang, Võ Văn…

Ngày nay, mỗi một tấc đất, dấu chân trên Lý Sơn đều in dấu người xưa "từ thủa mang gươm đi mở cõi".

Trong lịch sử ngàn năm của dân tộc, có lẽ cần phải ghi nhận rằng chúng ta không chỉ mở cõi về phía Nam để đất nước dặm dài tròn vành hình chữ S, mà còn có cả một thế hệ đi trước, những vương triều đã Đông tiến, đi về phía biển.

Số phận  lạ kỳ của tờ lệnh Hoàng Sa

Phía bên trên bức tường của nhà thờ Đặng ở Lý Sơn có treo trang trọng một tờ lệnh quan trọng liên quan tới Hoàng Sa.

Từ khi phát hiện ra nội dung của tờ lệnh này, nó là báu vật không chỉ một dòng tộc họ Đặng mà của cả quốc gia.

Tờ lệnh hình chữ nhật, màu vàng, được viết bằng chữ Hán, có ghi:

“Võ Văn Hùng đã lựa chọn người dân thiện thủy ông Đặng Văn Siểm có thể kham việc làm đà công.

Nhân hiệp theo bằng cấp nên thừa hành một chiếc thuyền cùng thủy thủ trong thuyền theo phái viên đoàn binh cùng Võ Văn Hùng đồng đến xứ Hoàng Sa làm việc công. Việc hải trình quân yếu phải nên đem thực lực vâng làm được mười phần ổn thỏa, nếu xao lãng phải phạm tội nặng.
………..

Minh Mạng, năm thứ 15, tháng 4, ngày 15”.

(Trích một phần trong bản dịch gốc, PV)

Người đà công (lái tàu, người thông thạo luồng lạch con nước) Đặng Văn Siểm là ông tổ 15 đời của dòng họ Đặng trên đảo Lý Sơn hiện nay.

Tiếp tôi trong gian nhà thờ họ Đặng là anh Đặng Tấn Thành. Anh Thành là hậu duệ đời thứ 14 của ông Đặng Văn Siểm cho hay, từ thời ông nội là Đặng Minh và người cha là Đặng Tôn đã biết trong gia tộc của mình có người đi Hoàng Sa, và bí mật ẩn giấu nằm trong tờ lệnh này…

Nhưng bí mật của tờ lệnh rõ ràng cụ thể là gì thì không ai rõ, chỉ biết rằng không dưới 3 lần có những người lạ đến nhà hỏi và đòi thu tờ lệnh này.

Lần đáng nhớ nhất là năm 1979, có người tự nhận là cán bộ nghiên cứu ngoài đất liền đi cùng với cán bộ chính quyền đảo Lý Sơn gặp ông Đặng Tôn đòi thu tờ lệnh quý. Ông Tôn bảo không có. Họ lục soát, tìm cả đến cả bàn thờ họ nhưng mãi không tìm ra…

Sau này người chú họ kể lại cho anh Thành nghe, thực ra tờ lệnh vẫn hay để trên bàn thờ đã được ông Tôn cẩn thận cất lên kèo trên nóc nhà. Cả đoàn vào lục soát cả buổi sáng không thấy, cuối cùng ra về trắng tay…

Sau lần tịch thu đó, ông Tôn họp cả họ lại bàn bạc tìm nơi cất giấu thật kỹ, các bậc cao niên trong họ quyết định giao cho ông Tôn là người chịu trách nhiệm cất giấu tờ lệnh này, và cũng chỉ mình ông biết nơi cất giấu, tuyệt đối không được nói với ai và tới lúc chết thì trao bí mật nơi cất đó cho con trai trưởng của mình.

Vào thời điểm đó cậu bé Thành còn nhỏ nên không được biết, mãi tới năm 2003 khi cha mình qua đời, mới trăn trối lại cho anh Thành tìm ông giáo Quỳnh để biết rõ về lai lịch tờ lệnh này…

Thời gian cũng mải miết trôi đi, tới đầu năm 2009, khi đi ăn giỗ nhà ông chú, thì người chú này mới nói rằng ngày xưa ông Tôn và ông Minh nói trong gia tộc mình đã từng có người đi Hoàng Sa.

Lúc này Thành đang làm ở Ủy ban Nhân dân huyện Lý Sơn nên biết rõ được tầm quan trọng trong câu nói của ông chú. Anh chợt nhớ lại lời trăn trối trước lúc mất của cha.

Vậy ông giáo Quỳnh là ai mà có liên quan mật thiết đến vậy với tờ lệnh này?

Ông giáo Quỳnh tên thật là Dương Quỳnh, người thôn Đông, xã An Hải, Lý Sơn. Cụ nguyên là nhà giáo, hậu duệ Thủy tổ - Tiền hiền họ Dương, là người am hiểu nho học. Sau khi đậu bằng Sơ học yếu lược, cụ vào đất liền học tiếp và thi đậu bằng tiểu học rồi về dạy học ở quê nhà.

Ông giáo Quỳnh là người hay chữ Hán, Nôm biết nhiều điển tích về Hoàng Sa, Trường Sa, nhưng khi anh Thành tới nơi tìm thì ông giáo Quỳnh cho hay đã giao cả bản gốc lẫn bản dịch cho ông Tôn từ lâu rồi

Tới lúc này, anh Thành mồ hôi chảy ròng ròng, lạnh toát sống lưng. Chẳng lẽ, bí mật của dòng họ Đặng lại có nguy cơ mất thêm một lần nữa?

Anh về nhà, đóng cửa 3 ngày tìm mọi ngõ nghách trong nhà nhưng đều không thấy, cuối cùng anh mới nhớ ra ngay trong một bên tủ của nhà, sinh thời khi ông Tôn không cho con cháu bất kỳ người nào được mở ra.

Tình thế bây giờ đành phải làm trái ý cha, vậy anh Thành phá tung cánh cửa tủ, quả thực đằng sau cánh cửa có một chiếc hộp màu đen, mở hộp ra thì đúng là có tờ lệnh Hoàng Sa và cả bản dịch nằm bên như lời ông giáo Quỳnh nói.

Thời điểm đó là ngày 27/2/2009, gần 6 năm sau ngày cha mất, anh Thành mới khám phá được bí mật của dòng họ mình.

Tới ngày 31/3/2009 anh Thành vào Quảng Ngãi báo cáo về nội dung của tờ lệnh.

Và tới chiều 10/4/2009, tỉnh Quảng Ngãi đã tổ chức lễ bàn giao tài liệu liên quan đến quần đảo Hoàng Sa do tộc họ Đặng ở thôn Đồng Hộ, xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) nối tiếp nhau gìn giữ qua sáu đời suốt 175 năm qua cho Bộ Ngoại giao./.

Thông Chí (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục